Vaccine sởi hiện tại là loại vaccine dạng nước cần được tiêm 2 mũi để đảm bảo miễn địch đầy đủ - mũi 1 từ lúc trẻ được 9-12 tháng và mũi thứ 2 sau đó vài năm. Các nhân viên y tế cần được đào tạo chuyên về tiêm chủng để thực hiện việc tiêm chủng và quản lý vaccine. Loại vaccine này cần phải được bảo quản lạnh trong khi vận chuyển cũng như ở phòng khám. Hình thức tiêm chủng này gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác về máu.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PNAS của Mỹ, loại vaccine sởi dạng bột khô thử nghiệm trên loài khỉ nâu có tác dụng bảo vệ chúng khỏi căn bệnh này chỉ với một liều duy nhất. Vaccine được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng bằng bình xịt với 1 trong 2 loại bột khô là PuffHaler và BD Solovent. Không có tác dụng phụ nào được phát hiện.
Theo TS. Diane E.Griffin, tác giả chính của nghiên cứu và là Chủ nhiệm khoa Phân tử vi sinh và miễn dịch học W.Harry Feinstone tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg (Mỹ): “Vaccine bột khô sẽ rất hữu ích tại các khu vực kém phát triển, nơi hạn chế các nguồn lực. Loại vaccine này có thể được vận chuyển dưới dạng bột và không có các đòi hỏi trình độ cao trong sử dụng cũng như quản lý, giúp việc tiêm chúng được dễ dàng hơn, đồng thời tăng tính an toàn trong việc tiêm chủng phòng sởi trên toàn thế giới.”
Trước khi vaccine sởi được bào chế vào năm 1963, mỗi năm có 130 triệu đường hợp mắc bệnh trong đó có hơn 7 triệu ca tử vong. Vào năm 2008, con số bệnh nhân chết vì sởi ước tính là 164.000 người. Các thử nghiệm trên người đối với vacxin sởi dạng khô đang được tiến hành ở Ấn Độ.
“Các cuộc thử nghiệm vaccine sởi dạng bột khô tại Johns Hopkins cho chúng ta thêm tự tin rằng, loại vacxin này an toàn để có thể thử nghiệm trên người sau khi được chính quyền Ấn Độ cho phép”, Giáo sư Robert Siever của CU Boulder và là thành viên của Viện Hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường của Mỹ cho biết. Ông cũng đồng thời là CEO của Công ty Aktiv-Dry LLC và là nhà đồng sáng chế ra loại bột PuffHaler và các vi hạt vaccine mới.
Nghiên cứu này được các Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, Viện Y tế Quốc Gia Mỹ và Quỹ học bổng Marjorie Gilbert tài trợ.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)