Kẽm - khoáng tố thiết yếu
Trong cơ thể người lớn chứa trung bình 2-3g kẽm, 60% kẽm nằm trong cơ, 30% trong xương, 5% ở da và đặc biệt một vài bộ phận cơ thể cần có hàm lượng kẽm cao như là tuyến tiền liệt, tóc và mắt. Kẽm ngăn cản sự ảnh hưởng của các tác nhân gây hại ở một vài chất độc, kim loại nặng như cadimi và các chất ô nhiễm khác, giúp kiểm soát tuyến bã nhờn, giúp nhanh lành vết thương.
Thiết hụt kẽm khiến cho hệ miễn dịch hoạt động kém, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, hen suyễn, quáng gà, rối loạn khứu giác và vị giác, tóc rụng, xuất hiện đốm trắng trên móng chân móng tay, rối loạn giấc ngủ hoặc mắc các bệnh về da.
Ở nam giới, lượng kẽm trong tinh dịch và ở tuyến tiền liệt chứa hơn 100 lần lượng kẽm trong máu. Mỗi lần xuất tinh, cơ thể mất từ 2-5mg/lần. Thiếu kẽm, giấc mơ làm cha có nguy cơ tan biến do sức khỏe của “cậu nhỏ”, cảm xúc tình dục và lượng tinh trùng giảm. Lượng kẽm yêu cầu cho nam giới trưởng thành cao hơn 1/3 lần cho nữ giới. Vì thế mới có câu nói: “ Đàn ông thiếu kẽm, đàn bà thiếu sắt”.
Phụ nữ thiếu kẽm sẽ khiến cho vòng kinh thất thường, là nguyên nhân gây ra hiện tượng mất kinh thứ phát hoặc nguyên phát. Nhu cầu về lượng kẽm cho phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai là 100mg/ngày. Thiếu kẽm, thai nhi bị giảm cân và giảm chiều cao, nguy cơ sinh non tăng cao gấp 3 lần, thời gian sinh kéo dài hơn bình thường.
Phụ nữ mang thai thường chỉ bổ sung đều đặn sắt và canxi, nhưng chính lượng sắt được bổ sung trong thời gian dài lại là nguy cơ khiến cho cơ thể hấp thu kẽm kém đi. Các nhà khoa học đã tổng kết, nhu cầu về kẽm ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai, mang thai và cho con bú cao gấp 3 lần phụ nữ bình thường.
Kẽm kích thích sự tăng trưởng của trẻ ở tuổi bú mẹ, trẻ nhỏ trước tuổi đi học được bổ sung kẽm đầy đủ sẽ ít bị tiêu chảy và viêm phổi, hệ xương và chức năng sinh dục phát triển hoàn thiện.
Những ai dễ bị thiếu kẽm?
Hơn 80% trong số chúng ta không bổ sung đầy đủ lượng kẽm cần thiết cho cơ thể, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì (cần 15-30 mg kẽm mỗi ngày). Người ăn chay, người già hấp thu kẽm kém hơn những người khác.
Trẻ em đang phát triển, phụ nữ có thai hay cho con bú, người bị phẫu thuật, bị chấn thương, bị đái tháo đường, uống rượu nhiều, người dùng sắt hay Aspirin thường bị thiếu hụt kẽm.
Thiếu kẽm còn xảy ra ở người chán ăn, tinh thần hay bị mệt mỏi, những bệnh nhân bị bệnh crohn, các bệnh đường ruột, những người rối loạn hấp thu, mắc bệnh vảy nến, loét, bỏng, người hút thuốc, tiếp xúc với cadimi.
Làm sao để hấp thu được kẽm?
Kẽm có mặt ở rất nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, đặc biệt là các thực phẩm có liên quan tới protein, bao gồm: đậu và các hạt họ đậu đỗ, lúa mạch, vừng, ngũ cốc, ngó sen, hạt sen, trong đó, hạt bí ngô, hải sản và thịt đỏ như hàu, sò biển, các loại tôm, cua, lươn trạch, cá chày, thịt bò, lợn gà, nhộng.
Để hấp thu kẽm tốt hơn, bạn nên: Tăng cường vitamin C trong khẩu phần ăn, không nên uống viên kẽm lúc đói, nên uống đều đặn vào một giờ nhất định (uống 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn), uống cách xa các thuốc có chứa sắt, calci để tránh tương tác cạnh tranh hấp thu. Trong những trường hợp hay nôn có thể uống cùng với thức ăn, hoặc uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Nhu cầu hàng ngày về kẽm là bao nhiêu? (đơn vị tính là mg/ngày)
Trẻ còn bú: 6
Trẻ từ 1-9 tuổi: 10
Trẻ từ 10-12 tuổi: 12
Thanh niên từ 13-19 (nam): 15
Thanh niên từ 13-19 (nữ): 12
Người lớn nam: 15
Người lớn nữ: 12
Phụ nữ có thai: 15
Phụ nữ cho con bú: 19
Người già: 12
Hàm lượng kẽm trong 100g thực phẩm
Tên thực phẩm | Hàm lượng kẽm(mg%) |
Con hàu | 75 |
Sò, ngao | 13.4 |
Thịt cóc | 9,7 |
Gan bò, lợn, gà | 4,5-9 |
Lòng đỏ trứng gà | 3,5 |
Lươn | 2,7 |
Thịt lợn nạc | 2,5 |
Thịt bò loại 1 | 2,7 |
Thịt gà ta | 1,5 |
Đậu nành | 3,8 |
Gạo tẻ, nếp | 1,3-2,2 |
Khoai lang | 2,0 |
Ngô | 1,4 |
Quả ổi | 2,4 |
Trái cây nói chung | 0,1-0,6 |
Thiên Nga
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học