Phải làm sao để luôn khỏe mạnh và sống lâu là câu hỏi, mà cũng là trăn trở của rất nhiều người. Nhiều người cho rằng, để kéo dài tuổi thọ thì nên bổ sung nhiều loại thuốc bổ, ăn nhiều món quý hiếm. Nhưng thực tế, đáp án chính xác nhất lại nằm ở thói quen sinh hoạt cũng như lối sống của mỗi người. Chỉ cần nhìn theo lối sống của những người trăm tuổi cho thấy, họ sẽ không chi tiền cho thuốc hay thực phẩm đắt tiền, mà là tuân thủ lối sống lành mạnh, khoa học. Đồng thời, hãy chú ý và áp dụng 7 mẹo vặt này vào lối sống hàng ngày, sẽ giúp tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Muốn sức khỏe được tăng cường, đừng quên áp dụng 7 mẹo này vào lối sống hàng ngày
1. Chăm chút cho dinh dưỡng hàng ngày
Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và tuổi thọ con người. Nếu mọi người chú ý sẽ thấy, người Nhật rất chú trọng vấn đề ăn uống và đó được xem là một bí quyết giúp người Nhật có tuổi thọ trung bình cao thứ 2 trên toàn thế giới.
Cụ thể, thực đơn của người Nhật đa số là các loại thực phẩm ít béo như: cá, đậu nành, rau, gừng và trà xanh,... chế biến ra những món ăn ít muối và có hàm lượng protein cao. Cấu trúc bữa ăn này giúp họ tránh nguy cơ gặp chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, họ thường ăn nhiều hải sản hơn là thịt, từ đó nhận được nhiều giá trị dinh dưỡng quý giá, đặc biệt là nhóm axit béo không bão hòa đa có trong cá biển sâu - tăng cường trí não và sức khoẻ của mỗi người, chẳng hạn ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường và bệnh tim. Và người Nhật tiêu thụ nhiều chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày, thông qua rau xanh và trái cây giúp họ cung cấp thêm các loại vitamin, chất xơ, đồng thời cũng có thể loại bỏ được lượng muối dư thừa trong cơ thể.
Nếu có tìm hiểu văn hoá ẩm thực của Nhật Bản, ta sẽ thấy bàn ăn hàng ngày của họ rất phong phú. Tuy nhiên, chúng đa số là những loại đồ ăn thanh đạm và chứa ít calo (Ảnh: Internet)
Từ điều này cho thấy, chú trọng ăn uống - dinh dưỡng sẽ giúp mọi người có được một sức khỏe ổn định, cơ thể dẻo dai linh hoạt và giúp kéo dài tuổi thọ.
2. Ghi nhớ việc khám sức khỏe định kỳ
Những người trăm tuổi cho biết họ rất chú ý việc khám sức khỏe định kỳ, bởi đây là phương pháp hiệu quả nhất - giúp họ nắm bắt được tình trạng sức khỏe của bản thân một cách chính xác nhất. Việc kiểm tra tình trạng sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện ra các vấn đề trong cơ thể, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, làm giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn tiến nặng (nếu có) và tránh gây tổn hại sức khỏe. Vì vậy, muốn sống lâu thì việc khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng.
3. Siêng vận động
Vận động hoặc tập thể dục - thể thao vốn dĩ rất được khuyến khích nhờ vào những lợi ích nó mang lại, đặc biệt là cho hệ thống xương khớp của con người. Tuy nhiên, có thể do tính chất công việc áp lực gây mệt mỏi hoặc một vài nguyên nhân nào đó mà người trẻ ngày nay đều khá lười hoặc không có hứng thú vận động, rèn luyện thể chất. Tình trạng “bỏ quên” này sẽ khiến cho gân, cơ, dây chằng của mọi người trở nên yếu và lỏng lẻo, từ đó khiến cho vị trí khớp xương dễ bị sai lệch hơn. Hậu quả do lười vận động chính là đau nhức mỏi các phần xương khớp, dần dần gây ra các tình trạng xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống,...
Không muốn mắc bệnh xương khớp yếu, tất cả mọi người đều nên siêng vận động, luyện tập thể thao để vừa cứng xương lại vừa khỏe mạnh nhé (Ảnh: Internet)
4. Đừng quên thăm khám đôi mắt định kỳ
Đôi mắt được xem là cửa sổ tâm hồn, cũng chính là thứ khiến bạn nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Vì vậy, luôn cố gắng bảo vệ cũng như thăm khám đôi mắt theo định kỳ là điều mà mọi người được phép quên.
Việc chủ động thăm khám mắt định kỳ có thể giúp kịp thời phát hiện và chữa trị những căn bệnh về mắt/ hoặc nguy cơ sức khỏe mà không may bạn đã mắc phải. Những vấn đề đó có thể kể đến như:
- Bệnh tăng nhãn áp.
- Đục thủy tinh thể.
- Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
- Bệnh tiểu đường.
- Bong võng mạc.
- Các khối u ở mắt.
Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, người trưởng thành khỏe mạnh nên khám mắt ở tuổi 40, sau đó cứ 2 đến 4 năm một lần ở độ tuổi từ 40 đến 54, cứ sau 1 đến 3 năm ở độ tuổi 55 đến 64, và mỗi 1 năm một lần ở độ tuổi 55 đến 64 (Ảnh: Internet)
5. Bảo vệ thính giác
“Không có cách nào để chữa khỏi chứng mất thính giác!” - CDC Mỹ nhấn mạnh.
Cuộc sống hiện tại của chúng ta đang được đánh giá là bị ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Mặt khác, khi đi ra ngoài đường, mọi người sẽ dễ dàng nhìn thấy trên tai của mỗi người đều là những thiết bị âm thanh đủ loại, đủ kiểu. Và chính bởi các nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng suy giảm thính giác ở mỗi người, với tỷ lệ người mắc đang gia tăng đáng kể.
Do đó, CDC Mỹ đưa ra lời khuyên đến mọi người, nên tránh các tiếng ồn lớn bất cứ lúc nào có thể, đồng thời hãy điều chỉnh âm lượng của các thiết bị tai nghe ở mức an toàn và vừa phải. Hãy sử dụng nút tai hoặc chụp tai để bảo vệ thính giác tại những nơi ồn ào, và nếu có lúc mọi người cảm nhận được rằng thính lực của bản thân đang suy giảm, hãy đi khám ngay và điều trị sớm để không dẫn tới tình trạng tồi tệ hơn.
6. Bảo vệ làn da
Làn da được xem như là tuyến bảo vệ đầu tiên, giúp cơ thể không bị xâm phạm bởi các tác nhân gây hại từ thế giới bên ngoài, chẳng hạn như vi khuẩn, virus, bụi bẩn,... góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể của bạn.
Phần da trên cơ thể có chứa rất nhiều các đầu dây thần kinh, giúp cảm nhận và phát hiện các mối nguy từ môi trường (chẳng hạn như những vật nóng, lạnh, sắc nhọn,...). Ngoài ra, các tế bào da có thể biến ánh sáng mặt trời thành vitamin D để duy trì sức khỏe của xương. Các tuyến mồ hôi và các mạch máu nhỏ trên da cũng giúp kiểm soát nhiệt độ bằng thông qua cơ chế đổ mồ hôi.
Từ những vai trò quan trọng kể trên, có thể thấy việc bảo vệ "tuyến phòng thủ đầu tiên" là điều cực kỳ quan trọng. Theo lời khuyên từ các chuyên gia da liễu, bạn nên tắm bằng nước lạnh hoặc nước ấm không quá 50 độ C, chọn những loại xà phòng có thành phần từ thiên nhiên, không hóa chất và chất bảo quản. Khi ra đường, đừng quên thoa nhẹ một lớp kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 để ngăn ngừa mọi tác hại của ánh nắng mặt trời. Nếu bạn dễ bị tàn nhang và nốt ruồi, hãy nhớ thăm khám da liễu hàng năm để xác định bệnh ung thư da.
7. Dành 30 phút mỗi ngày để ngủ trưa
Tùy thuộc vào mỗi người mà sẽ có thời lượng khác nhau cho việc ngủ trưa, nhưng thời gian hoàn hảo nhất để cơ thể được nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng sau nửa ngày đầu lao động mệt mỏi sẽ là 30 phút.
Theo các chuyên gia sức khỏe, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa chỉ tầm khoảng 30 phút là đã có thể giúp lấy lại được năng lượng để tiếp tục công việc vào buổi chiều, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như giải tỏa căng thẳng, tăng cường trí nhớ, nâng cao khả năng sáng tạo.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin