Trên đây là một trong nhiều câu hỏi mà chúng tôi đã nhận được từ phía độc giả trong thời gian qua. Để giúp độc giả hiểu thêm về phương pháp xông lá chữa cảm cúm, chúng tôi đã có buổi trao đổi với PGS.TS.BS Lưu Thị Hiệp (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức 3, Tp.HCM) xung quanh vấn đề này.
Phương pháp chữa cảm cúm bằng xông lá đã có từ lâu, bác sĩ có thể nói rõ hơn về phương pháp này?
Xông hơi với lá là phương pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản có nguồn gốc lâu đời trong dân gian ta dựa trên hình thức tự điều tiết thân nhiệt bằng cách làm cho cơ thể tiết ra mồ hôi. Kinh nghiệm dân gian thường dùng nồi xông trong những trường hợp thông thường như cảm mạo.
Khi xông hơi, cơ thể chúng ta sẽ tăng tiết mồ hôi và giãn nở những mạch máu ngoại vi, đây là phương cách hữu hiệu không những giúp cơ thể giải cảm mà còn một số tác dụng đặc biệt khác như tiêu thủng tán thấp (chống phù nề, trừ nặng nề cơ thể), giải độc cơ thể...
Vậy tình trạng cơ thể như thế nào thì có thể dùng nồi lá xông?
Bình thường nhiệt độ của cơ thể ổn định là nhờ sự lưu thông ở tuyến da. Khi bạn bị cảm cúm với các triệu chứng: đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô không có mồ hôi, đau xương, đau mình, muốn nằm… Đông y cho đây là hiện tượng bế biểu do cảm phong hàn. Khi đó, các lỗ chân lông trên cơ thể bạn đang bị bít lại, đường phế đạo đang bị ách tắc nên làm xuất hiện một lọat những triệu chứng kể trên.
Trong trường hợp này, bạn có thể dùng nồi xông lá để giúp cơ thể giãn mạch, mở lỗ chân lông hàn tà mở đường cho các virus độc hại thoát ra ngoài.
Bác sĩ có thể cho biết một số loại lá dùng để chữa cảm mạo bằng phương pháp xông?
Hiện nay, nhiều người bệnh thường sử dụng xông lá để chữa bệnh cảm cúm: Lá có tinh dầu giúp sát trùng đường hô hấp như: lá tre, long não, chanh, bưởi, sả, bạc hà, tía tô, hương nhu, cúc tần… Những loại dược liệu trên đây có tính kháng khuẩn, có mùi thơm, có chứa tinh dầu có tác dụng tân ôn giải biểu, trừ phong thông khiếu, kháng sinh khử trùng, giúp giải cảm, cơ thể người bệnh ra mồ hôi, hạ nóng sốt, tiêu độc rất tốt. Bởi vậy, từ xưa đến nay dân gian vẫn thường dùng lá xông để chữa cảm. Đông y cũng xem đó là phương pháp điều trị cảm có hiệu quả.
Cách nấu và tiến hành xông như thế nào thì đúng, thưa bác sĩ?
Các thứ lá trên rửa sạch cho vào nồi to đổ vừa nước, lấy lá chuối bịt miệng, đậy nắp nấu sôi. Bệnh nhân được bố trí trong phòng kín tránh gió lùa. Đặt nồi xông trên giường, bệnh nhân trùm kín chăn ngồi xông từ 15-20 phút. Khi đã thoát được mồ hôi, bệnh nhân dùng khăn bông sạch lau khô người rồi mặc quần áo mới. Khi tiến hành xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh.
Để tăng nhanh tác dụng, trước khi xông, bạn có thể dùng một miếng bông nhỏ thấm đẫm dầu gió thả vào nồi nước lá. Tinh dầu bạc hà trong dầu gió sẽ theo hơi nóng lan tỏa và dẫn nhiệt vào cơ thể người ốm nhanh hơn và êm hơn.
Kết quả sau khi xông?
Dùng các loại dược liệu cùng với nước nấu sôi, các chất trong lá đã biến thành hơi nước nên nó rất dễ dàng đi vào đường hô hấp đến tận phế nang. Hơi nước vào khoang miệng, vào niêm mạc mắt mũi và qua da để vào cơ thể. Tới đâu đều có sự trao đổi chất ở đó.
Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, nhuận và mát. Đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí cho nên bớt đau đầu, chóng mặt, khớ thỏ.
Trong các lá xông có kháng sinh, có tinh dầu cho nên có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt… Các lỗ chân lông được thông thoáng, da tươi nhuận trở lại. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.
Ngay sau khi vừa xông xong, người bệnh cần lau sạch mồ hôi tránh để thấm ngược và nên ăn thêm bát cháo nóng giải cảm có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh…
Để lưu ý người dùng phương pháp này, bác sĩ có những lời khuyên gì?
Trong những trường hợp nhất định, người bệnh có thể điều trị bằng nồi xông trong khoảng 1-2 ngày đầu bị bệnh. Tuy nhiên, không nên kéo dài thời gian ngồi xông quá 10 phút; Không để mồ hôi đổ ra quá nhiều vì người sẽ bị mệt, mất nước khiến bệnh thêm nặng.
Sau khi xông phải lau khô mồ hôi, thay quần áo, tránh nơi có gió và để người bệnh nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể. Đặc biệt, không nên tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, nếu gặp lạnh sẽ bít lại nước không thoát được sẽ dẫn đến dễ bị cảm, máu huyết lưu thông chậm.
Ngoài ra, người bệnh không nên xông liên tục mỗi ngày. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn, thì cần ngưng xông, lau khô người, nằm nghĩ, nếu nặng hơn phải đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Đối tượng chống chỉ định với xông lá
- Người đang sốt cao, sợ nóng không sợ lạnh, không khát nước, ra nhiều mồ hôi.
- Người bị sốt do siêu vi.
- Người có cơ thể suy nhược, vừa mới hết bệnh, người già yếu, mệt mỏi.
- Phụ nữ đang mang thai, hoặc vừa mới sinh.
- Người đang bị tiêu chảy.
- Người đang bị sốt xuất huyết.
- Người đang trong tình trạng say rượu hoặc sau khi uống rượu.
- Người mắc bệnh ngoài da.
- Người bị huyết áp cao, bệnh lý tim mạch.
- Người có biệu hiện bệnh tâm thần.
- Chỉ định của xông hơi, tắm hơi.
- Người đang bị sổ mũi, đau người, hắt hơi, ho.
- Không ra mồ hôi hay ít mồ hôi.
- Tổng trạng bình thường.
Thực phẩm người bệnh cảm cúm nên ăn
Cháo hành, tía tô: Hành có tính sát khuẩn mạnh, được dùng để chữa cảm cúm rất nhạy. Tía tô cũng được coi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp đánh bay cảm cúm đặc biệt hiệu quả.Trong dân gian mỗi khi cảm cúm người ta thường nấu cháo hành, tía tô để ăn, sẽ giúp giải cảm, trị cúm rất nhanh chóng.
Uống chanh mật ong: Chanh, mật ong từ lâu đã được biết đến là món đồ uống bổ dưỡng và có tác dụng phòng tránh và trị cảm rất công hiệu. Chanh chứa hàm lượng cao vitamin C giúp tăng sức đề kháng, trong khi mật ong có tính kháng khuẩn mạnh. Kết hợp hai nguyên liệu này sẽ mang lại món đồ uống có tác dụng đánh bay cơn cảm cúm nhanh chóng, đồng thời giúp hồi phục thể lực.
Hạt ngũ cốc: Hạt ngũ cốc cung cấp năng lượng thông qua carbohydrate. Thực phẩm khô tốt như ngũ cốc không chỉ cung cấp các vitamin và khoáng chất mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Đậu phụ: Ăn đậu sẽ được bổ sung rất nhiều protein và nhiều vitamin, khoáng chất khác nhau. Các vitamin và khoáng chất sẽ giúp tăng cường và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh cúm trong một thời gian hợp lý.
Thịt gia cầm: Thực phẩm đầu tiên chúng ta nên ăn khi bị cảm cúm là thịt gia cầm. Với các loại thực phẩm gia cầm như gà, vịt... cơ thể sẽ được cung cấp protein, giúp cung cấp năng lượng, giúp bạn khỏe mạnh và tăng sức dẻo dai cho cơ bắp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!
Một số bài thuốc chữa cảm cúm Sả: 10-20g cả cây, mang rửa sạch, nấu nước xông. Nó còn được dùng chữa chàm mặt (rễ giã nát, vắt lấy nước chấm vào vùng bị chàm), đầy bụng, nôn mửa, trung tiện kém. Tía tô: Lá tía tô làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo giảm đau, chữa ho, đầy hơi, kém tiêu hóa, nôn mửa, đau bụng do thực tích. Ngày dùng 3-6g hay 3-10g dưới dạng thuốc sắc. Long não: Chữa trúng phong, cấm khẩu, kinh giản, hôn mê, sốt; họng sưng đau, ung nhọt, sang lở. Ngày dùng 0,05-0,2g dưới dạng bột long não (uống). Dùng ngoài tùy từng bệnh và công thức thuốc cụ thể. Lá tre: Giúp giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm. Chỉ định: Làm thuốc ra mồ hôi, sát khuẩn, chữa viêm nhiễm, phù thũng, cảm sốt. Liều dùng ngày dùng 20-30g dưới dạng thuốc sắc hoặc xông. Hương nhu: Hái cây lúc ra hoa hoặc 1 số hoa đã kết quả. Có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, hành khí, chỉ thống trường, trừ thấp; chữa cảm mạo… Thường dùng chữa cảm nắng, sốt, nhức đầu, đau bụng đi ngoài. Ngày 3-8g hay 4-12g dưới dạng thuốc sắc hay hãm.
T.H
Theo tạp chí Sống Khỏe