Vào một số mùa nhất định trong năm, bạn có thể nhận thấy những thay đổi về mức năng lượng, giấc ngủ và hứng thú với các hoạt động của mình. Rối loạn cảm xúc theo mùa, hay SAD, là một loại bệnh trầm cảm liên quan đến sự thay đổi theo mùa. Các triệu chứng thường xuất hiện vào mùa thu, kéo dài trong suốt những tháng mùa đông và biến mất vào mùa xuân hoặc mùa hè. Rối loạn cảm xúc là những rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc và phản ứng với cảm xúc.
Những nguyên nhân gây ra SAD
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng SAD vẫn đang được nghiên cứu, nhưng theo các chuyên gia, bệnh này liên quan đến việc giảm lượng ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến các chất hóa học tự nhiên như serotonin và melatonin trong cơ thể, những chất quyết định tâm trạng, mức năng lượng và điều chỉnh giấc ngủ .
SAD không chỉ đơn thuần là một trường hợp của chứng buồn chán mùa đông, được coi là một tình trạng nhẹ và phổ biến hơn. Các triệu chứng của SAD có thể nghiêm trọng đến mức khiến bạn khó có thể hoạt động trong môi trường xã hội, công việc và gia đình.
Ít tiếp xúc với ánh sáng có thể khiến đồng hồ sinh học thay đổi và làm ảnh hưởng đến tâm trạng. |
SAD khác với các loại trầm cảm khác như thế nào?
Rối loạn cảm xúc theo mùa có xu hướng tái phát theo mùa, thường xảy ra vào một số mùa nhất định – phổ biến nhất là vào những tháng mùa đông. Đặc điểm này khiến nó khác với các loại trầm cảm khác do khó dự đoán hơn. Triệu chứng của SAD tương tự như bệnh trầm cảm nặng.
Ai có nguy cơ mắc Rối loạn cảm xúc theo mùa cao nhất?
Những người sống ở vùng khí hậu lạnh hơn có nguy cơ mắc SAD cao hơn. Số liệu thống kê cho thấy, SAD ảnh hưởng đến khoảng 1 – 2% dân số toàn thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, có khoảng 5% người lớn ở quốc gia này từng trải qua SAD. Trong đó, SAD ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ hơn là nam giới, có khoảng 75% người mắc chứng rối loạn này là phụ nữ.
Mặc dù một người không sinh ra đã mắc SAD, nhưng người ta tin rằng nó có tính di truyền .
Những người sống ở vùng khí hậu lạnh hơn có nguy cơ mắc SAD cao hơn.
Các triệu chứng của Rối loạn cảm xúc theo mùa
Các triệu chứng của trầm cảm theo mùa tương tự như dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng. SAD được phân biệt với trầm cảm bởi sự thuyên giảm của các triệu chứng vào những tháng mùa xuân và mùa hè (hoặc mùa thu và mùa đông trong những trường hợp SAD mùa hè).
Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa cần chú ý bao gồm:
- Khó tập trung
- Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức liên tục, bao gồm cảm giác mất năng lượng gần như mỗi ngày trong những tháng bị ảnh hưởng
- Cảm thấy mình vô dụng
- Mất hứng thú với những thứ mà bạn thường thích, chẳng hạn như sở thích và hoạt động xã hội
- Luôn cảm thấy chán nản hoặc buồn bã
- Rối loạn giấc ngủ, có thể bao gồm chứng ngủ rũ (ngủ quá nhiều) hoặc chứng mất ngủ (khó ngủ)
- Xuất hiện ý nghĩ tự tử
- Thay đổi cân nặng, có thể tăng hoặc giảm cân
SAD, cũng như tất cả các rối loạn trầm cảm, phổ biến hơn ở phụ nữ. |
Phương pháp điều trị
Để kiểm soát và điều trị bệnh trầm cảm theo mùa hiệu quả, cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
- Thuốc: Thuốc chống trầm cảm do bác sĩ kê đơn để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
- Hoạt động thể chất: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục trong 20 phút ít nhất ba ngày một tuần có hiệu quả tương tự như dùng thuốc chống trầm cảm. Hoạt động có thể giúp sản xuất serotonin và cải thiện tâm trạng của bạn . Tập thể dục ngoài trời vào ban ngày làm tăng hiệu quả của hoạt động.
- Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp ánh sáng còn được gọi là quang trị liệu. Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên cho bệnh trầm cảm theo mùa. Mục đích là cho người bệnh tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo (mô phỏng ánh sáng tự nhiên ngoài trời) để thay thế cho việc thiếu hụt ánh sáng trong những tháng mùa đông.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: CBT là phương pháp điều trị hiệu quả cho SAD và trầm cảm lâm sàng. CBT giúp mọi người học cách kiểm soát các triệu chứng trầm cảm hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Vì SAD gắn liền với sự thay đổi của các mùa, nên có thể dự đoán được thời điểm khởi phát, giúp một người kiểm soát các triệu chứng của mình tốt hơn. Nếu bạn bị SAD, có những biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể áp dụng và các bước bạn có thể bắt đầu thực hiện trước khi trầm cảm nặng phát triển.
Các mẹo để cải thiện bệnh
Để kiểm soát bệnh trầm cảm theo mùa thì trước hết bạn nên áp dụng những thói quen lành mạnh.
- Vận động cơ thể. Tập thể dục giúp giảm căng thẳng và lo âu . Việc duy trì hoạt động trong mùa đông là điều cần thiết, ngay cả khi bạn muốn ít vận động hơn trong những tháng lạnh hơn.
- Ra ngoài. Dành 15 đến 20 phút ở ngoài trời khi trời nắng. Nếu thời tiết cho phép, hãy đi bộ ngoài trời vào giờ nghỉ trưa khi mặt trời lên cao nhất. Ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bạn.
- Duy trì môi trường xung quanh sáng sủa. Mở rèm cửa sổ và cho ánh sáng mặt trời vào nhà. Ngồi gần cửa sổ khi ở nhà hoặc làm việc.
- Ưu tiên giấc ngủ. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, với mục tiêu ngủ đủ bảy đến chín tiếng. Ngủ trưa quá nhiều và ngủ quá nhiều ngoài lịch trình thông thường có thể làm gián đoạn nhịp sinh học của bạn .
- Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Tâm trạng giảm sút có thể dẫn đến hành vi ở nhà và cô lập. Giao lưu với bạn bè , duy trì thói quen và hoạt động ở nhà và bên ngoài là điều cần thiết.
- Chăm sóc cơ thể và tâm trí. Ăn uống điều độ, lành mạnh. Tránh xa ma túy và rượu, những thứ có thể khiến chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Kiểm soát căng thẳng bằng các biện pháp như hít thở sâu, chánh niệm và thiền định.
Nếu bạn có tiền sử mắc chứng SAD, hãy trao đổi với bác sĩ về kế hoạch kiểm soát tâm trạng tốt hơn trong những tháng mùa đông.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin