Bác sĩ Dương Đình Phúc, Khoa Thần kinh, Bệnh viện 354 cho hay: cứ 10 người bị đau vai thì có tới chín mắc bệnh viêm khớp quanh vai do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm khớp quanh vai được coi là bệnh của người có độ tuổi 40 trở lên, thời điểm các xương khớp bắt đầu thoái hóa. Lúc đó, các gân cơ bị cọ sát mạnh vào mỏm cùng vai sau một thời gian dài, bắt đầu sờn mòn, dẫn đến viêm mỏm vai. Đó cũng là lúc các mô mềm cơ gân, dây chằng, bao khớp xunh quanh khớp vai bắt đầu gây “khó dễ”.
Ban đầu chỉ là những cơn đau mỏi khi vận động nhiều, sau đó tổn thương tăng dần sẽ đau lan sang các vùng lân cận như đầu, cổ, ngực và gây co thắt khớp bao vai. Những biểu hiện này đặc biệt rõ rệt ở những người lao động nặng, thường phải khiêng vác quá sức, hoặc những người hay chơi các môn thể thao đòi hỏi sự vận động nhiều của tay như: cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền…
Biểu hiện đặc trưng của viêm khớp quai vai
Có bốn thể viêm khớp quanh vai thường gặp là: viêm khớp quanh vai đơn thuần, viêm khớp kèm theo vôi hóa, viêm khớp thể tắc nghẽn, viêm khớp thể giả liệt.
Biểu hiện của khớp quanh vai đơn thuần đó là phạm vi vận động của tay bị thu hẹp, giơ tay để chải đầu, với đồ vật, quẹo ra sau lưng đều rất khó khăn. Người bệnh không dám duỗi tay, nhấc vai và vì bị gò bó tư thế tay nên thường dễ mất ngủ ban đêm.
Viêm khớp quanh vai kèm theo vôi hóa gân thì hầu như các khớp vai đều trong tình trạng bất động cùng những cơn đau dữ dội.
Viêm khớp quanh vai thể tắc nghẽn sẽ khiến vai bị co thắt, tắc nghẽn khiến sưng tấy như bị “bó giò”.
Viêm khớp thể giả liệt do các gân cơ vùng vai bị đứt nên vùng vai thường bị thâm tím do tụ máu, còn cánh tay không thể thực hiện cử động nâng lên hạ xuống nên giống như bị liệt.
Các thể này có thể được coi là diễn tiến của viêm khớp quanh vai từ nhẹ đến nặng, không khó để bạn nhận biết và phát hiện ngay ở những giai đoạn đầu.
Điều trị sớm có thể phục hồi hoàn toàn
Nhiều người mới chớm bị viêm khớp quanh vai thường chủ quan, cho đó chỉ là nhức mỏi nên đắp lá hay xoa bóp bằng dầu cao bình thường, vô tình làm cho bệnh tiến triển nhanh theo chiều hướng xấu. Một số khác có thể bị nhiễm khuẩn khớp vai dẫn đến bị áp xe vùng cơ vai mà hậu quả nặng nhất là tử vong.
Việc điều trị viêm khớp quanh vai muốn đạt hiệu quả phải kết hợp cả nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu cùng Đông y mới mong phục hồi hoàn toàn. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định có thể dùng các biện pháp chườm lạnh, đèn hồng hoại, tia sóng ngắn, từ trường...
Bên cạnh đó, xoa bóp, vận động nhẹ nhàng và châm cứu, bấm huyệt bệnh sẽ thuyên giảm sau đợt điều trị kéo dài khoảng ba đến bốn tháng và khỏi hoàn toàn từ sáu tháng đến ba năm mà không cần phải phẫu thuật, trừ trường hợp bị đứt gân phải nối do viêm quá nặng.
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật dùng thấu nhiệt vi sóng điện từ cao tần 2450MHz và 915MHz có tác dụng giảm đau, chống viêm, tăng sức đề kháng của cơ thể. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn mà không gây tác dụng phụ.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần cho cánh tay có khớp viêm được nghỉ ngơi. Sau đợt điều trị có hiệu quả nên luyện tập để phục hồi chức năng khớp vai qua các bài tập nhẹ nhàng, dần dần từ dễ đến khó. Tập thái cực quyền là tốt nhất và không nên làm việc quá sức. Việc luyện tập có thể kéo dài sau khi khỏi để tránh lão hóa khớp ở tuổi trung niên.
Để tránh bị viêm khớp quanh vai khi có tuổi, nên giữ ấm cơ thể vào mùa đông, khi ngủ tránh để lộ vai ra ngoài, không để nước mưa ướt vào người, cần tắm bằng nước ấm để giúp khớp cơ điều hòa giãn nở và đừng quên giữ cho tâm lý thoải mái vui tươi.
Minh Vũ
Theo tạp chí Sống Khỏe