Thiếu vitamin D có thể khiến bệnh nhân COVID-19 gặp phải biến chứng nặng
Theo một cuộc nghiên cứu tại bệnh viện ở Yerevan, Armenia, những người thiếu vitamin D có thể dễ bị nhiễm vi khuẩn/ virus, thậm chí đây còn là đối tượng dễ có nguy cơ nhập viện khi mắc phải COVID-19. Cụ thể, sau khi phân tích các mẫu máu từ 330 bệnh nhân có liên quan đến COVID-19, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân bị biến chứng nặng thường có nồng độ 25-hydroxyvitamin D thấp. Thông thường, hàm lượng 25-hydroxyvitamin D trung bình ở người khỏe mạnh là khoảng 13 ng/mL, nhưng đến 45% số bệnh nhân nhập viện do bệnh chuyển biến xấu có mức vitamin D đạt dưới 12 ng/mL. Điều này cho thấy, thiếu vitamin D có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bị biến chứng nặng, nguy cơ nhập viện khi mắc COVID -19.
Thiếu Vitamin D có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. |
Tương tự, các nhà khoa học Đại học Bar Ilan (Israel) đã nghiên cứu 1.176 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tháng 4/2020 đến tháng 2/2021, trong đó 253 người có hàm lượng vitamin D dưới mức trung bình. Những người này được đo hàm lượng vitamin D tối thiểu 14 ngày và tối đa là 730 ngày trước khi có kết quả dương tính với COVID-19. Và trong suốt quá trình điều trị, nhóm người có hàm lượng vitamin D thấp dễ bị các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng so với những người khác.
Từ đó có thể thấy, việc đảm bảo cơ thể không thiếu hụt vitamin D có thể ngăn ngừa bệnh hoặc tránh các biến chứng nặng khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, hầu hết các cuộc nghiên cứu đều không kết luận việc bổ sung vitamin D sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 giảm bớt các triệu chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong.
Cần làm gì để không bị thiếu vitamin D?
Tuy không có loại thực phẩm thần kỳ nào có thể ngăn chặn hoàn toàn COVID-19, nhưng bạn cần bổ sung một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng chống lại bệnh tật. Trong đó, vitamin D không chỉ giúp duy trì hệ xương khỏe mạnh, mà còn góp phần tăng trưởng tế bào, điều chỉnh hệ miễn dịch… Khi thiếu vitamin D nhiều người thường không có triệu chứng, tuy nhiên, sự thiếu hụt này có thể khiến cơ thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe như: Dễ nhiễm trùng, hay đau ốm, yếu xương và cơ, dẫn đến cơ thể thường xuyên mệt mỏi…
Theo khuyến nghị của Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ năm 2011, nhu cầu Vitamin D ở trẻ dưới 1 tuổi là 400 IU/ngày, trẻ từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành dưới 50 tuổi là 600 IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ngày. Vì thế, hãy cố gắng phơi nắng, ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D: sữa, trứng (lòng đỏ trứng), cá hồi, các loại nấm, dầu gan cá… Ngoài các loại thực phẩm tự nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột mì, bánh quy, dầu ăn, ngũ cốc…
Bạn nên bổ sung Vitamin D thông qua các thực phẩm như: sữa, trứng, cá hồi, dầu gan cá... |
Bên cạnh việc bổ sung Vitamin D, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Bổ sung Vitamin C (cam, canh, bưởi, ớt chuông, cải xanh...) để giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đường hô hấp.
- Bổ sung Kẽm (Hàu, gan, thịt đỏ, trứng, các loại đậu, các loại rau) để góp phần phát triển tế bào miễn dịch, ngăn chặn các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập.
- Ngoài ra, bạn nên ngừng uống hoặc giảm lượng rượu, giữ cân nặng chuẩn, ít thức khuya để cơ thể khỏe mạnh, ít mắc bệnh hơn,
- Bên cạnh việc chú ý không để bản thân thiếu vitamin D, bạn nên giữ sức khỏe tinh thần vững vàng, thay vì suốt ngày lo lắng bạn nên giữ tinh thần thoải mái, dành thời gian trong ngày cho việc chăm sóc bản thân, gia đình. Tích cực tuân thủ những khuyến cáo phòng chống dịch từ Bộ Y tế. Hiện nay, việc tiêm vaccine đang được triển khai, hãy ủng hộ việc tiêm vaccine và đi tiêm khi có thông báo bạn nhé!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin