Hậu quả của chủ quan
Chị Trần Thị Lý, 45 tuổi ở 55/127 Trần Huy Liệu, Hà Nội bị đau khớp ngón tay gần một tháng nay nên chị tích cực uống thuốc giảm đau, xoa dầu, bóp mật gấu. Nhưng các triệu chứng vẫn không hề thuyên giảm, mà ngày càng nặng thêm. Đến khi thấy khó cử động chị mới vào bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết chị đã bị viêm khớp ở giai đoạn muộn và nguy cơ tàn phế là rất cao, vì xương đã bị ăn mòn.
Còn anh Trần Văn Hùng, ở Phủ Lý (Hà Nam) đến BV. Bạch Mai (Hà Nội) khi các ngón tay đã khó cử động, có cảm giác bị tê ở các đầu ngón tay, co duỗi khó khăn. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sỹ kết luận “Phần sụn khớp xương tay của anh Hùng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng bị tê tay, khó cử động, không điều trị kịp thời, nguy cơ tàn phế là rất cao”.
Ở Việt Nam, có khoảng 700-800 ca mắc bệnh viêm khớp thấp mỗi năm. Trong đó 80% là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên. Sau 5 năm mắc bệnh thì chỉ 40% bệnh nhân còn chức năng bình thường, 16% bị mất chức năng nghiêm trọng. Những người mắc bệnh trên 10 năm thì 40-60% mất khả năng làm việc. |
BS. Hoàng Văn Dũng, Khoa Cơ Xương Khớp, BV. Bạch Mai cho biết: Viêm thấp khớp là bệnh không gây tử vong, nhưng lại gây tàn phế rất cao, làm giảm sút khả năng lao động, gây áp lực tinh thần rất lớn lên người bệnh.
Nguyên nhân là do quá trình ủ bệnh khá dài, các khớp ngoại biên bị màng dịch ăn mòn theo xu hướng tăng dần, khiến các khớp sụn bị tổn thương, các khớp xương dần dần biến mất do quá trình ôxy hóa màng dịch. Các khớp khó hoạt động, kèm theo cảm giác tê cứng, đau nhức. Các cơn đau thường diễn ra vào nửa đêm và gần sáng.
Nhiều bệnh nhân thường chủ quan cho rằng đó là dấu hiệu bình thường của tuổi già, nên chỉ xoa bóp mật gấu, cao hổ cốt, hoặc uống thuốc giảm đau thông thường. Chính sự chủ quan của người bệnh khiến cho bệnh tình ngày càng nặng hơn, nguy cơ tàn phế tăng cao”.
Phát hiện sớm, cơ hội nhiều
Viêm khớp thấp là một bệnh khó điều trị và chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, vì đây là quá trình lão hóa xương từ từ. Có nhiều giả thiết cho rằng bệnh này do virus, vi khuẩn. Người bệnh phần lớn là phụ nữ từ 30 trở lên. Nguy cơ tai biến của bệnh này là rất cao, vì vậy việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị dễ dàng, triệt để hơn.
Bệnh viêm khớp cấp tính tiến triển và bộc lộ rõ triệu chứng vào những khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là cuối thu đầu đông, vì giai đoạn này khí hậu trở nên lạnh giá, các cơn gió mùa đông bắc kéo về, khiến cho người mắc bệnh thường cảm thấy trong người đau nhức xương khớp, đầu các ngón tay tê mỏi như có kim châm, phần cổ tay, khớp tay, khớp gối, bàn chân, cột sống cổ thường đau khi thay đổi tư thế đột ngột, gặp khó khăn khi làm việc với tư thế cúi, ngồi lâu một chỗ.
Ngoài ra, người bệnh còn có những triệu chứng khác như sốt cao về đêm gần sáng, kèm theo chứng ho khan, người gầy sút, mệt mỏi, thiếu máu. Nhiều người còn bị ảnh hưởng chức năng tim mạch dẫn tới các biểu hiện như: tim đập nhanh hơn bình thường, hay hồi hộp, ra mồ hôi trộm, đêm ngủ thường lo lắng, giật mình…
Đẩy lùi mầm họa
Hiện nay, nền y học vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh viêm khớp thấp một cách triệt để mà chỉ có thể điều trị để cho bệnh không tăng lên, giảm đau, giảm các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa các biến dạng và giữ gìn các chức năng bình thường của khớp, cải thiện khả nặng hoạt động bình thường cho bệnh nhân.
Các thuốc có tác dụng ổn định bệnh như cyclophosphamide, methotrexate, các loại thuốc giảm đau, nâng cao thể trạng... thường phải dùng trong thời gian dài, vì thế cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cần đặc biệt cẩn trọng và không nên lạm dụng các thuốc có corticoid, vì nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như gây tổn thương gan, dạ dày, tá tràng, tăng huyết áp, suy thận...
Người bệnh cũng nên phối hợp giữa việc dùng thuốc và luyện tập, châm cứu, xoa bóp để khớp được vận động linh hoạt. Những bài vận động nhẹ nhàng với cường độ luyện tập vừa phải (để tránh nguy cơ gây tổn thương khớp) như đi bộ nhanh, yoga sẽ giúp tăng cường sức bền và độ dẻo dai. Với những bệnh nhân nặng, nên có chế độ điều trị đặc biệt hoặc tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định phẫu thuật, đặc biệt với người cao tuổi, người có sức đề kháng kém; vì có thể có biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, người bệnh nên tránh làm việc với các tư thế xấu, làm ảnh hưởng tới khung xương giá đỡ.
Tăng cường ăn hải sản để tăng cường omega-3, giúp tăng cường khả năng miễn dịch giúp chống viêm, giảm đi các triệu chứng làm đau khớp. Các nhà khoa học đã chứng minh nếu bệnh nhân ăn từ 2-5g/ngày axit omega-3 sẽ giảm hẳn cảm giác đau nhức, đẩy lùi bệnh tật. Người bệnh cũng nên bổ sung thêm 1-3g omega-6 có tác dụng ức chế sự sản sinh ra chất gây viêm prostaglandin. Omega-6 có nhiều trong thịt động vật và hầu hết các loại dầu thực vật.
Các loại vitamin C, D, E cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại quá trình ôxy hóa của cơ thể nên đừng bao giờ quên hoa quả và rau xanh trong bữa cơm gia đình.
An Bình