Tại sao thời tiết mưa nắng thất thường dễ làm cơ thể suy yếu và mắc bệnh?
Khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng gắt sang mưa dầm, cơ thể phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, khả năng tự điều chỉnh của cơ thể có giới hạn, nhất là khi sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm diễn ra liên tục trong thời gian ngắn. Độ ẩm cao làm mồ hôi tiết ra nhiều hơn, nhưng lại khó bốc hơi, khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, suy giảm sức đề kháng. Đồng thời, môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus và nấm phát triển mạnh mẽ, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật qua đường hô hấp, tiêu hóa và tiếp xúc da.
Hơn nữa, khi độ ẩm tăng cao, các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, vi khuẩn trong không khí dễ dàng bám vào da và hệ hô hấp, gây kích ứng và phản ứng dị ứng. Cũng như việc thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa nắng và mưa khiến các cơ quan trong cơ thể bị "sốc nhiệt", làm hệ miễn dịch suy yếu và mất cân bằng.
Trên đó là những là nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể dễ dàng bị mắc bệnh khi vào mùa mưa nắng thất thường (Ảnh: Internet)
Vào mùa mưa nắng ẩm ương, bạn có thể sẽ mắc 5 loại bệnh sau đây và cách phòng bệnh
1. Cảm cúm và viêm đường hô hấp
Cảm cúm là bệnh thường gặp nhất khi thời tiết thay đổi. Khi không khí ẩm và lạnh, virus cúm dễ dàng lây lan qua đường hô hấp. Các triệu chứng điển hình của cảm cúm bao gồm sốt, đau họng, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm xoang hoặc thậm chí là viêm phổi.
Cách phòng bệnh:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và chân tay khi trời lạnh.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị cúm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Bổ sung vitamin C, kẽm và các thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài và tránh nơi đông người trong mùa dịch cúm.
2. Sốt xuất huyết
Mùa mưa là thời điểm lý tưởng để muỗi vằn sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti. Người bệnh thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, phát ban, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng và đau đầu dữ dội.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, suy đa cơ quan và tử vong (Ảnh: Internet)
Cách phòng bệnh:
- Loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng như ao tù, nước đọng, các vật dụng chứa nước.
- Ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt.
- Sử dụng thuốc xịt muỗi và bôi kem chống muỗi khi đi ra ngoài.
3. Bệnh tiêu chảy cấp
Độ ẩm cao trong mùa mưa khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn E. coli, Salmonella xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, gây tiêu chảy cấp. Triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, đi ngoài nhiều lần, buồn nôn và mất nước.
Cách phòng bệnh:
- Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tránh các thực phẩm dễ nhiễm khuẩn như hải sản sống, rau sống.
- Bổ sung nước điện giải để bù nước và điện giải khi bị tiêu chảy.
4. Nấm da và viêm da
Không khí ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho các loại nấm da phát triển, gây ra tình trạng ngứa, đỏ rát, nổi mụn nước hoặc nứt nẻ da. Viêm da có thể xuất hiện ở các vùng da nhạy cảm như bẹn, kẽ tay, kẽ chân và vùng da dưới quần áo chật.
Cách phòng bệnh:
- Giữ cơ thể khô ráo, tránh mặc quần áo ẩm ướt.
- Tắm rửa sạch sẽ sau khi đi mưa hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.
- Sử dụng kem kháng nấm theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng.
5. Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Viêm kết mạc là bệnh phổ biến vào mùa mưa khi nước mưa và môi trường ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào mắt.
Bệnh gây đỏ mắt, chảy nước mắt, cảm giác cộm, ngứa và đau nhức mắt (Ảnh: Internet)
Cách phòng bệnh:
- Tránh dụi tay vào mắt, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
- Không dùng chung khăn mặt, kính mắt với người khác.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
Mùa mưa nắng ẩm ương là thời điểm dễ bùng phát nhiều loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Đặc biệt, cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống cân đối và khoa học. Việc nắm rõ các bệnh thường gặp trong mùa mưa và các biện pháp phòng tránh sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và tận hưởng những ngày mưa nắng một cách an toàn và khỏe mạnh.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin