Thông thường, đột quỵ là tình trạng mà các đối tượng người lớn tuổi, người mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh lý nền khác có nguy cơ cao gặp phải. Các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, thừa cân, béo phì hoặc lối sống ít vận động thường là tác nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là trẻ em cũng có thể rơi vào tình trạng này, nhất là do một số yếu tố tiềm ẩn như rối loạn đông máu, bệnh tim bẩm sinh, hoặc tổn thương não bộ do té, va đập nhưng không bị trầy xước, xuất huyết ngoài.
Trong nhiều trường hợp, những dấu hiệu ban đầu của đột quỵ ở trẻ em rất khó nhận diện và có thể bị xem nhẹ (Ảnh: Internet)
Khác với người lớn, đột quỵ ở trẻ em không xảy ra đột ngột mà thường diễn ra theo một tiến trình dài và âm thầm. Các biểu hiện của đột quỵ ở trẻ em có thể xuất hiện rồi biến mất một cách ngẫu nhiên, hoặc có thể lặp lại theo thời gian. Điều này khiến phụ huynh dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu, cho rằng đó chỉ là những vấn đề sức khỏe tạm thời.
Tuy nhiên, chính những biểu hiện dù nhỏ này lại là những tín hiệu đầu tiên của cơ thể cho thấy não bộ trẻ đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, hiểu rõ và quan sát kỹ các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp phụ huynh bảo vệ sức khỏe cho con em mình. Trong đó, nên đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện trẻ đang gặp 1 hoặc cả 4 dấu hiệu sau đây:
1. Trẻ thường xuyên bị đau đầu không rõ nguyên nhân
Đau đầu thường được xem là một triệu chứng bình thường ở trẻ em, nhưng nếu tình trạng này lặp đi lặp lại với tần suất cao và mức độ đau mạnh, phụ huynh cần cảnh giác. Những cơn đau đầu bất thường này có thể liên quan đến sự gián đoạn lưu thông máu trong não bộ, gây ra áp lực và đau đớn cho trẻ.
Khi trẻ than phiền về đau đầu mà không rõ nguyên nhân cụ thể hoặc không liên quan đến các yếu tố như căng thẳng học hành hay sử dụng thiết bị điện tử quá mức, đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ đột quỵ (Ảnh: Internet)
2. Trẻ đột nhiên tiểu/ ị ra quần
Khi trẻ đã đạt được kỹ năng tự chủ và biết đi vệ sinh một cách bình thường mà đột nhiên mất khả năng kiểm soát, tiểu hoặc đại tiện ra quần, đây có thể là một dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy cơ đột quỵ.
Trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang hoặc ruột có thể do các vấn đề về tuần hoàn máu trong não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Sự gián đoạn này gây tác động trực tiếp đến các vùng não điều khiển hoạt động cơ bắp và kiểm soát bài tiết.
Nếu phụ huynh nhận thấy con mình đột ngột có biểu hiện này, cần đưa trẻ đi khám ngay để kiểm tra sức khỏe kỹ càng. Việc can thiệp kịp thời không chỉ giúp ngăn ngừa những ảnh hưởng lâu dài mà còn đảm bảo an toàn cho trẻ trước các tình huống nguy hiểm.
3. Trẻ gặp khó khăn trong việc nói và vận động
Nếu phụ huynh thấy trẻ bất ngờ gặp khó khăn trong việc nói, chẳng hạn như nói không rõ ràng, lặp lại câu hoặc gặp khó khăn khi phát âm, điều này có thể là một tín hiệu cảnh báo.
Đôi khi, trẻ cũng có thể gặp trở ngại khi di chuyển, chẳng hạn như đi lại khó khăn, yếu ở một bên cơ thể, hoặc mất thăng bằng (Ảnh: Internet)
Những vấn đề này có thể là dấu hiệu của tổn thương trong não, cần được thăm khám kỹ lưỡng bởi các chuyên gia y tế để đánh giá nguy cơ đột quỵ.
4. Co giật không rõ nguyên nhân
Trẻ bị co giật mà không có tiền sử bệnh lý về thần kinh cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại. Co giật có thể xảy ra đột ngột và thường kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu cục bộ trong não, gây nên tổn thương và làm rối loạn hoạt động của các tế bào thần kinh. Nếu trẻ bị co giật và không có lý do rõ ràng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay để loại trừ nguy cơ đột quỵ.
Phụ huynh nên làm gì khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở trẻ?
Khi phát hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần hành động ngay lập tức. Đầu tiên, hãy giữ bình tĩnh và trấn an trẻ, tránh để trẻ hoảng sợ. Sau đó, gọi cấp cứu để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Trong thời gian chờ đợi, cố gắng để trẻ nằm nghiêng và giữ không gian yên tĩnh cho trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng co giật, hãy tránh đặt bất cứ vật gì vào miệng trẻ và cố gắng bảo vệ trẻ khỏi các chấn thương.
Đưa trẻ đi khám và theo dõi sức khỏe thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro tiềm ẩn.
Đột quỵ ở trẻ em là một tình trạng hiếm gặp nhưng không phải là không có khả năng xảy ra. Việc nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo là bước đầu tiên để phụ huynh có thể bảo vệ con mình khỏi nguy cơ đột quỵ. Bằng cách quan sát kỹ và đưa trẻ đi thăm khám khi có dấu hiệu bất thường, phụ huynh không chỉ phòng ngừa được các nguy cơ nghiêm trọng mà còn đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho trẻ trong những năm tháng đầu đời.
Xem thêm: Cảnh báo 2 nguyên nhân khiến sốt xuất huyết trở nặng và bí quyết phòng ngừa bệnh hiệu quả
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin