Người mắc bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát được lượng đường trong máu sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như: ảnh hưởng thị giác dẫn đến mù lòa, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng vết thương, suy thận,... Có rất nhiều cách để kiểm soát lượng đường trong máu nhưng yếu tố chủ chốt nhất vẫn đến từ việc ăn uống của người bệnh. Đó là lý do vì sao mà thực đơn dành cho người tiểu đường rất cần được chú trọng.
Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu những loại thực phẩm nào có thể giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường. Và mới đây, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ một thông tin mới, rằng trà đen có thể là phương pháp dinh dưỡng để người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.
Cụ thể, một cuộc nghiên cứu với 2.000 người tham gia đã được tiến hành, và các nhà nghiên cứu đã chia họ ra thành từng nhóm dựa trên tần suất uống trà mà họ uống, và loại trà mà họ sử dụng, trong đó có trà đen.
Sau đó, họ sẽ được xét nghiệm và phân tích chi tiết về lượng đường trong nước tiểu, tình trạng kháng insulin và tình trạng đường huyết mỗi ngày sau khi dùng trà.
Kết quả sau một thời gian cho thấy những người uống trà hàng ngày có sự gia tăng bài tiết glucose qua nước tiểu và giảm tình trạng kháng insulin, từ đó giảm nguy cơ phát triển tiền tiểu đường 15% và tiểu đường type 2 tới 28%. Điều này cũng có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường vì họ thường bị tái hấp thu glucose ở thận, ngăn việc bài tiết qua nước tiểu nên chỉ số đường huyết luôn tăng nhanh một cách dễ dàng.
Đặc biệt, với trà đen thì tỷ lệ còn khả quan hơn nữa, vì chỉ với một tách trà đen mỗi ngày đã có thể giảm nguy cơ tiền tiểu đường tận 53% và tiểu đường type 2 tới 47% (Ảnh: Internet)
4 quy tắc ăn uống cần ghi nhớ khi xây dựng thực đơn cho người tiểu đường
1. Chất xơ là nguồn thực phẩm luôn phải có trong các bữa ăn
Bạn phải chắc chắn trong mọi khẩu phần ăn của người bệnh đều có ít nhất 8g chất xơ, đặc biệt là với những bệnh nhân thường tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm giàu carbohydrate. Chất xơ sẽ hỗ trợ trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, tạo cảm giác no lâu và đặc biệt là giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh (theo các chuyên gia, tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim cao).
Bạn có thể lựa chọn và thay đổi luân phiên các loại thực phẩm khác nhau nhưng hãy luôn đảm bảo sẽ có mặt ít nhất một trong các nhóm kể sau trên bàn ăn của mình, như: các loại hạt hoặc đậu, yến mạch, lúa mạch, các loại rau nhà cải, cà rốt hoặc củ cải đường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại trái cây để làm bữa ăn nhẹ, như táo, lê, dưa hấu chẳng hạn. Trái cây nguyên chất cung cấp cho ta rất nhiều dưỡng chất thiết yếu, kể cả với bệnh nhân tiểu đường vì lượng đường tự nhiên có trong trái cây không gây hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân e ngại thì ta có thể đổi sang các loại quả có tính chua như nho, kiwi, cam, dâu, cà chua hoặc củ quả không vị như dưa leo thì càng tốt. Để an toàn hơn, bạn nên chủ động hỏi xin lời khuyên từ các bác sĩ điều trị để biết được người bệnh ăn được loại quả nào, từ đó xây dựng chế độ ăn hợp lý.
Chất xơ vô cùng quan trọng trong thực đơn ăn kiêng lành mạnh của người tiểu đường (Ảnh: Pixabay)
Một lưu ý dành cho bạn là không nên thay trái cây bằng nước ép trái cây và nên chia ra ăn nhiều bữa thay vì ăn quá nhiều trong một bữa nhé!
2. Không nên cắt bỏ các chất béo
Không nên cắt bỏ hoàn toàn chất béo trong thực đơn của người bệnh tiểu đường, vì chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái tạo năng lượng, hấp thụ vitamin, tăng cường các hormone nội tiết và giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Chất béo được chia làm hai loại, đó là: bão hòa và không bão hòa. Như lời các chuyên gia chia sẻ, sử dụng chất béo không bão hòa sẽ tốt cho người bệnh tiểu đường hơn.
Bạn có thể tìm thấy chất béo không bão hòa ở các nhóm thực phẩm dưới đây:
- Các loại hạt không rang/ ướp muối như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, hướng dương
- Các loại cá béo nhiều omega-3 như cá trích, các hồi, cá thu.
- Dầu đậu nành, oliu hay dầu hạt cải.
- Quả bơ.
Nhóm thực phẩm thuộc chất béo bão hòa cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho người tiểu đường nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình ăn kiêng (Ảnh: Internet)
Nên hạn chế các chất béo bão hòa do có thể làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, thường được tìm thấy trong thịt đỏ hoặc các loại thịt đã được chế biến, bơ sữa trâu, mỡ heo, bánh ngọt các loại.
3. Hạn chế ăn muối
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của người tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 2 được chứng minh là hạn chế các biến chứng của bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết và giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài việc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nếu người bị tiểu đường vẫn tiếp tục ăn mặn, sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp và đột quỵ. Không chỉ vậy, ăn quá nhiều muối còn ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh, do giảm nước bọt trong khoang miệng làm các virus dễ xâm nhập và phát triển, từ đó, cơ thể sẽ dễ bị cảm cúm, viêm họng và viêm phế quản. Muối cũng kích thích niêm mạc dạ dày làm dễ nhiễm vi trùng HP - gây ra viêm dạ dày và có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Hạn chế muối trong các bữa ăn của người tiểu đường là vô cùng cần thiết, nhằm tránh các biến chứng về đột quỵ, tim mạch và huyết áp cao (Ảnh: Internet)
Thực đơn của người tiểu đường nên thanh đạm sẽ tốt hơn, cần hạn chế thức ăn dầu mỡ, hun khói hoặc ướp nướng. Vì khi chế biến các loại thức ăn với các phương pháp trên ta sẽ phải sử dụng tới muối rất nhiều, phần để tăng gia vị món ăn và phần để bảo quản được lâu, đặc biệt là đồ ăn đã chế biến sẵn hay các món ăn nhanh. Bạn có thể thay muối bằng các gia vị hoặc hương liệu thảo mộc để thay thế cho muối mà không bị mất vị của món ăn.
4. Nên ăn thực phẩm toàn phần thay vì chọn thực phẩm bổ sung
Chế độ ăn thực phẩm toàn phần không phải là chế độ ăn chay hay thuần chay như mọi người lầm tưởng, mà chỉ tập trung chủ yếu vào các thực phẩm có thể ăn được ở dạng nguyên gốc hoặc ít chế biến nhất có thể, như: rau củ quả, hạt cốc nguyên cám, các loại đậu, không có hoặc rất ít thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, nên dùng 100% bột mì hay bột mì nguyên cám, thay gạo lứt bằng gạo trắng cũng sẽ rất tốt cho người tiểu đường. Theo như các chuyên gia, lựa chọn ăn thực phẩm toàn phần giúp bạn no lâu hơn và dễ dàng kiểm soát lượng đường trong máu.
Bạn không nên lạm dụng các thực phẩm bổ sung, vì chưa có bằng chứng nào cho thấy bổ sung thêm chất khoáng và vitamin có thể giúp bạn kiểm soát được bệnh tiểu đường, mặt khác, dùng thực phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong cơ thể, khiến bệnh tiểu đường trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn. Nếu bạn vẫn muốn dùng thực phẩm bổ sung, trước hết bạn cần có sự đồng ý từ bác sĩ để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra.
Xem thêm: Dù rau có tốt đến mấy, bạn vẫn phải kiêng nếu đang ở trong 6 thời điểm này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin