Y văn cho biết, axit uric là một sản phẩm phụ của quá trình trao đổi purin trong cơ thể. Khi purin được chuyển hóa, axit uric được tạo ra và thường được tiêu hao thông qua thận.
Chức năng chính của axit uric là hoạt động như một chất chống oxy hóa và có thể giữ cho các tế bào và mô trong cơ thể được bảo vệ khỏi tổn thương do các gốc tự do. Ngoài ra, axit uric cũng có thể giúp kiểm soát nồng độ của các chất chất lưỡng tính, cụ thể là phản ứng giữa axit uric và các gốc tự do.
Tuy nhiên, nếu nồng độ axit uric trong máu tăng quá cao, có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Bệnh gút: đây được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin ở người, làm tăng tổng hợp chỉ số axit uric trong cơ thể, hoặc làm suy giảm chức năng đào thải axit uric ra ngoài, gây tăng axit uric trong máu. Tuy rằng bệnh gút không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng lại khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ bị tàn phế.
Ở giai đoạn đầu khởi phát bệnh, người mắc có thể gặp các triệu chứng như: đau ở các khớp bao gồm các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Các tinh thể muối urat gây viêm khớp, dẫn đến sưng đỏ, nóng, đau, và cứng khớp. Khi bệnh không được kiểm soát tốt và dẫn đến giai đoạn nặng hơn, người mắc sẽ gặp tình trạng viêm ở nhiều khớp cả tay và chân, xuất hiện những cục u ở nhiều nơi - đặc biệt quanh các khớp, dần dà gây biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ,... khiến người bệnh khó khăn trong vận động và cuối cùng là liệt.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên các đối tượng mắc bệnh gút cho thấy, chỉ sau 5 năm phát bệnh - hơn 16% bệnh nhân bị mất chức năng đi lại nghiêm trọng (Ảnh: Internet)
- Bệnh sỏi thận: khi nồng độ axit uric tăng lên, axit uric có thể kết tinh trong thận, tạo thành các tinh thể urate.
Những tinh thể này có thể tồn tại một cách đơn độc hoặc kết hợp với các chất khác để tạo thành sỏi thận. Sỏi thận có thể gây ra đau lưng cấp tính hoặc cảm giác đau và rối loạn tiểu tiện, và trong một số trường hợp nặng hơn, có thể gây tắc nghẽn đường tiểu và viêm nhiễm đường tiểu.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số thói quen xấu hoặc đặc điểm cụ thể có thể góp phần làm tăng axit uric máu, trong đó có 4 yếu tố sau đây là phổ biến nhất:
1. Là nam giới
Axit uric được sản sinh nhờ vào quá trình phân tách và chuyển hóa nhân purin bên trong cơ thể. Về cơ bản, axit uric cũng có những vai trò nhất định đối với sự phát triển của con người, bao gồm: hỗ trợ tối đa các hoạt động của não bộ cũng như hạn chế quá trình oxy hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu nồng độ axit uric tăng quá cao trong máu, thì nó sẽ dễ dàng kết tinh thành các tinh thể urat. Những tinh thể này lắng đọng ở khớp gây ra bệnh gút.
Và nguyên nhân khiến cho nam giới luôn có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn là vì nồng độ axit uric cơ bản trong cơ thể của họ cao hơn so với nữ giới khoảng 60 umol/l. Tức là nữ giới chỉ có nồng độ axit uric trong khoảng 360 umol/l thì nam giới lại lên đến 420 umol/l. Nếu không cố gắng kiểm soát, nam giới sẽ có thể dễ dàng mắc bệnh.
2. Thói quen tiêu thụ rượu bia
Dựa trên báo cáo của tạp chí y khoa Lancet (Anh), Việt Nam có tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ gần 90% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Bên cạnh đó, nước ta cũng được xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/ người.
Trong khi đó, rượu bia là một trong những thứ có chứa hàm lượng purin cực kỳ cao. Điều này sẽ khiến nồng độ axit uric tăng cao trong máu. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều thử nghiệm và đã đưa ra kết luận, nếu mỗi tuần ta uống đều đặn 2 đến 4 cốc bia thì nguy cơ mắc bệnh gút sẽ tăng lên 25%, còn nếu uống mỗi ngày ít nhất 2 cốc bia thì nguy cơ sẽ tăng lên 200% so với những người hoàn toàn không uống.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh gút, Viện Quốc gia về Lạm dụng và Nghiện rượu (Mỹ) đã đưa ra hướng dẫn chung về liều lượng đồ uống có cồn phù hợp cho người lớn như sau: nam giới nên uống từ 1-2 ly mỗi ngày, trong khi ở nữ giới chỉ uống tối đa 1 ly (Ảnh: Internet)
3. Ăn nhiều loại thực phẩm chứa nhiều purin
Do tính chất công việc, nhiều người buộc phải tham gia vào khá nhiều bàn tiệc, bữa nhậu. Và bên cạnh rượu bia, họ cũng thường phải tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm có chứa purin.
Các loại thực phẩm chứa nhiều purin có thể kể đến như: hải sản (đặc biệt là các loại có vỏ như tôm, cua, ốc hến,…), thịt đỏ (gồm: thịt bò, thịt dê, thịt cừu,... ) hay các loại nội tạng động vật như: lòng, phèo, tim gan,... (Ảnh: Internet)
Trong khi đó, tình trạng tăng axit uric máu thường khởi phát do chế độ ăn uống không lành mạnh, việc vừa tiêu thụ các loại thực phẩm kể trên vừa nạp nhiều thức uống có cồn sẽ khiến nồng độ axit uric tăng nhanh trong máu với tốc độ chóng mặt, từ đó khiến chúng ta có nguy cơ mắc bệnh gút hoặc sỏi thận cực kỳ cao.
4. Thói quen lười vận động
Hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa thông qua việc kích thích quá trình tuần hoàn máu và làm tăng quá trình tiêu hao purin.
Vì thế, việc lười vận động có thể khiến quá trình này không hoạt động hết năng suất, từ đó được xem là một yếu tố rủi ro góp phần vào tình trạng tăng axit uric máu.
Trên đây là 4 đặc điểm chủ yếu dẫn đến tình trạng tăng axit uric máu. Để phòng tránh nguy mắc nhiều bệnh tật nguy hiểm, việc chủ động phòng ngừa là điều cực kỳ quan trọng. Bước đầu tiên chính là loại bỏ những thói quen xấu kể trên, và tiếp đến, hãy xây dựng, duy trì một lối sống lành mạnh như: ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả tươi, tránh các chất có hại cho sức khỏe, ngủ đủ từ 7 - 9 tiếng mỗi ngày, mỗi ngày dành ra 30 phút tập luyện thể thao..
Xem thêm: Tư thế đạp xe đúng cho người đi xe đạp đường trường là gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin