Theo thống kế từ Bộ Y tế cho biết, hàng năm, nước ta sẽ có hơn 200.000 người tử vong do các bệnh lý tim mạch, và có hơn 25% dân số đang mắc bệnh về tim hoặc tăng huyết áp tính đến thời điểm hiện tại. Điều đáng buồn là phần lớn bệnh nhân thường hay bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh ở giai đoạn mầm mống, cho đến khi phát hiện thì bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng số ca mắc bệnh tim sẽ tăng vọt trong những năm tới, nếu người dân không biết cách ngăn chặn nguy cơ mắc hay kiểm soát diễn tiến của bệnh (Ảnh: Internet)
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, ngoài các triệu chứng đặc thù của bệnh như: đau ngực, đau tim,… thì cơ thể cũng có thể "phát tín hiệu" cảnh báo bệnh tim thông qua biểu hiện rùng mình, ớn lạnh trên cơ thể - đặc biệt là ở phần tay và chân.
Nguyên nhân được cho là do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra - thường khởi phát do các chất béo, cholesterol,... sau một thời gian được cơ thể hấp thu sẽ lắng đọng lại phần cặn dư thừa, không được chuyển hóa hết và tích tụ trong động mạch. Tình trạng này xảy ra sẽ khiến lòng động mạch bị hẹp lại, gây cản trở quá trình vận chuyển máu cùng oxy đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả phần tay và chân.
Trong khi đó, các động mạch ở bàn tay và chân được ghi nhận là những động mạch nhỏ nhất, có nghĩa là chúng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương nhất. Khi những động mạch này ở 2 bộ phận này bị tắc nghẽn, bạn có thể cảm thấy lạnh và đôi khi có cảm giác đau như châm chích.
Các bác sĩ khoa tim mạch cũng cho biết thêm, các mảng xơ vữa này thường không bền, một khi nứt vỡ đột ngột và hình thành huyết khối thì có thể gây tắc nghẽn toàn bộ mạch máu, và dẫn đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như nhồi máu cơ tim diện rộng hay nhồi máu não.
Nguyên nhân gây ra bệnh xơ vữa động mạch đa phần là do lối sống kém lành mạnh, chẳng hạn như: lười vận động, chế độ ăn dư chất béo - giàu calo, hút thuốc lá,... Vì thế, nếu muốn cải thiện vấn đề này, bạn nên bỏ ngay các thói quen xấu kể trên (Ảnh: Internet)
Ngoài tình trạng lạnh tay chân và cơ thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, mọi người cũng không nên chủ quan với dấu hiệu này. Vì nó cũng có thể là lời cảnh báo cho những vấn đề sức khỏe sau đây.
1. Bị suy giáp
Về triệu chứng này đã được lý giải bởi Holly Phillips - bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Lenox Hill, New York (Mỹ) như sau: tình trạng rùng mình và lạnh lẽo trong người là dấu hiệu của bệnh suy giáp, tức là khi tuyến giáp của bạn không tiết ra đủ hormone tuyến giáp, điều này sẽ khiến cho quá trình trao đổi chất bị hạn chế và không tạo ra đủ nhiệt lượng cho cơ thể.
Bác sĩ cũng tiết lộ thêm là căn bệnh này thường phổ biến hơn với những phụ nữ đang mang thai hoặc nhóm đối tượng trên 60 tuổi. Những dấu hiệu khác của bệnh suy giáp còn bao gồm: rụng tóc, xơ tóc, khô da, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc tăng - giảm cân nặng không rõ nguyên nhân.
Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đang gặp các vấn đề về tuyến giáp, hãy đi khám ngay để bác sĩ có thể xác định, chẩn đoán bằng tình trạng bệnh bằng cách xét nghiệm máu và điều trị tình trạng này bằng thuốc theo toa.
2. Thiếu máu do thiếu sắt
Khi cơ thể bạn bị thiếu sắt ở mức độ nghiêm trọng, nó sẽ gây ra triệu chứng lạnh mãn tính. Đó là bởi vì sắt giúp tái tạo các tế bào hồng cầu (máu) và hỗ trợ máu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể để nuôi các cơ quan, đồng thời tạo ra nhiệt lượng - giúp làm ấm người. Mặt khác, sắt cũng là một yếu tố giúp bảo đảm các chức năng của tuyến giáp, việc thiếu hụt sắt sẽ hạn chế sự hoạt động của tuyến giáp và dẫn đến tình trạng suy giáp.
Một số triệu chứng khác của việc cơ thể bạn đang bị thiếu sắt đó là da nhợt nhạt, móng tay dễ gãy, nhức đầu, khó tập trung, khó thở. Để điều trị, hãy chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu trước để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh của bạn có nghiêm trọng hay không và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Nên bổ sung thêm sắt, truyền dịch qua đường tĩnh mạch hoặc đơn giản là tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ , rau xanh và trứng để cải thiện tình trạng sức khoẻ (Ảnh: Shutterstock)
3. Bệnh tiểu đường
Mặc dù không hoàn toàn là yếu tố trực tiếp gây ra triệu chứng này, nhưng đái tháo đường có thể là tác nhân khiến cho các chức năng thần kinh ngoại biên của người mắc bị rối loạn, từ đó mới dẫn đến hiện tượng lạnh chân tay, hoặc rùng mình. Đặc biệt, tình trạng này phổ biến hơn với những người mắc đái tháo đường tuýp 2 hơn, theo thống kê ở 100 người bệnh thì người mắc đái tháo đường tuýp 2 được ghi nhận có nguy cơ bị tổn thương thần kinh cao hơn với tỷ lệ 50%, so với tỷ lệ 20% ở người mắc đái tháo đường tuýp 1. Tổn thương dây thần kinh có thể làm gián đoạn dây thần kinh phát hiện nhiệt độ ở bàn chân hoặc cơ thể, gây ra cảm giác lạnh và khó chịu.
Nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên và có diễn tiến nghiêm trọng hơn, đừng trì hoãn mà hãy đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị (Ảnh: Internet)
Trên đây là bài viết chia sẻ cho bạn những nguyên do có thể gây ra cơn rùng mình, ớn lạnh bất chợt ở bạn. Nếu bỗng dưng bắt gặp tình trạng này, hãy cố gắng đưa cơ thể trở về nhiệt độ bình thường bằng cách vận động làm ấm người, bổ sung nước, hoặc đi ngủ sớm, ăn đủ chất chẳng hạn. Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Nói chung, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn đã thử qua nhiều cách nhưng tình trạng này không có dấu hiệu dừng lại.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin