Nước tiểu của chúng ta thường được chứa trong bàng quang. Thông thường, bàng quang người trưởng thành trung bình chứa được khoảng 420ml chất lỏng, tuy nhiên giới hạn này có thể tăng lên tới 800 ml nhờ khả năng co giãn của bàng quang. Khi bàng quang căng đầy, cơ thể sẽ tự động phát tín hiệu cho não bộ để tạo cảm giác muốn đi tiểu.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, không thể xác định được nhịn tiểu bao lâu thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe - vì điều này cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, cũng như việc bù nước, tiêu hao nước của cơ thể và mức chịu đựng của bàng quang. Tuy nhiên, càng nhịn tiểu lâu thì càng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây hại cùng với việc căng giãn bàng quang quá mức chịu đựng, theo thời gian gây nên các hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe trong tương lai. Trong đó là 5 vấn đề sức khỏe sau đây.
1. Nguy cơ bị vỡ bàng quan
Thông thường, bàng quang chứa được khoảng 250 - 350ml, nếu vượt qua 400ml thì có cảm giác rất buồn tiểu, 600ml thì đau tức không chịu nổi. Lúc này, thường có biểu hiện đái dầm. Nhưng với người không thể đào thải được, khả năng vỡ bàng quang sẽ rất cao, nguy hiểm cho tính mạng.
Nhịn tiểu lâu ngày sẽ sinh ra bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, có thể dẫn đến viêm xương chậu, viêm tấy vùng tiểu khung, xơ hoá khoang sau phúc mạc, thậm chí tử vong (Ảnh: Internet)
2. Gây sỏi thận
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nhịn tiểu là một thói quen không tốt cho sức khỏe - nhất là có thể gây ra nguy hại cho thận. Bởi quá trình đào thải nước tiểu ở hệ thống đường tiết niệu không chỉ giúp đào thải lượng nước thải dư thừa trong cơ thể, mà còn giúp loại bỏ các độc tố có hại trong cơ thể ra bên ngoài. Việc nhịn tiểu nhiều có thể khiến cho lượng chất độc lắng đọng nhiều trong bàng quang. Người có thói quen nhịn tiểu có thể bị nhiễm trùng đường tiểu, và gây đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, sốt, ớn lạnh... Nếu chứng nhiễm trùng đường tiểu không được chữa trị phù hợp và kịp thời thì thận cũng sẽ bị viêm nhiễm và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như sỏi thận, viêm thận,…
Để phòng ngừa bệnh sỏi thận, nếu cảm giác đầy, tức ở khu vực bàng quang sẽ cho thấy đó là thời điểm cần thiết để đi tiểu, lúc này nên đi tiểu ngay, tránh sự tích tụ nước tiểu trong bàng quang và gây ra bệnh thận.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Việc nước tiểu ứ đọng trong bàng quang lâu ngày sẽ là môi trường cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nam giới khi mắc bệnh thường nghiêm trọng hơn, nhưng phụ nữ lại là người dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn do niệu đạo ngắn hơn.
Ở trẻ nhỏ, việc nhiễm trùng có thể gây biến chứng sẹo thận, tiền cao huyết áp. Các triệu chứng phổ biến bao gồm nước tiểu đục hoặc có máu, hay buồn tiểu, sốt nhẹ và cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Việc nhịn tiểu làm trào ngược bàng quang niệu quản gây nhiễm trùng thận, dẫn đến suy thận, có thể gây tử vong.
4. Gây hại đến hệ thống tim mạch
Dường như việc nhịn tiểu là thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Khi có cảm giác muốn đi tiểu nhưng vì lý do nào đó mà họ thường nhịn vài tiếng, điều này dễ dẫn tới tình trạng căng thẳng, huyết áp tăng cao. Sau khi đi tiểu xong, huyết áp cũng sẽ tụt xuống. Sự dao động của huyết áp và nhịp tim như vậy dễ gây ra các bệnh như tai biến về tim mạch và mạch máu não.
Để tránh cho bản thân không gặp những thương tổn đầy nguy hiểm như thế, bạn hãy đi vệ sinh ngay bất cứ khi nào cảm thấy mắc (Ảnh: Internet)
5. Gây vô sinh
Tử cung của phụ nữ nằm ở phía sau bàng quang. Thường xuyên nhịn tiểu làm cho bàng quang phình to ra do tích trữ quá nhiều, chèn ép tử cung, làm cho tử cung rất khó trở lại vị trí cũ. Khi bàng quang chèn ép tử cung nhiều, ép vào dây thần kinh ở trước xương cùng, gây đau nhức, nặng sẽ bị viêm cổ tử cung, hoặc dẫn đến nguy cơ vô sinh.
Nhịn tiểu gây ảnh hưởng đến tử cung, lâu dần sẽ gây nguy cơ vô sinh - hiếm muộn ở phái nữ (Ảnh: Internet)
Nhịn tiểu không phải là một thói quen tốt cho cơ thể đặc biệt là đối với hệ tiết niệu, chính vì vậy dù trong bất kể trường hợp nào cần hạn chế tối đa việc nhịn tiểu và đáp ứng nhu cầu tiểu tiện nhanh nhất có thể. Khi đã có các dấu hiệu ban đầu liên quan tới tiết niệu thì cần được thăm khám ngay để chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Xem thêm: Khí phế thũng, bệnh tưởng chừng lạ nhưng ngày càng nhiều người trung niên mắc
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin