Nghệ thuật của nước và thuốc
5h chiều, Hà Nội đang vào cao điểm nắng nóng nên mặt trời vẫn nghênh ngang ở trên đầu. Sau giờ tan sở tôi tìm đến trung tâm tắm thuốc, xoa bóp, bấm huyệt Hương Sen trên phố Thái Thịnh (Hà Nội). Từ phòng tiếp tân, tôi đã “nghe” mùi thơm nồng như ở nhà thuốc Đông y. Rất nhanh chóng, khi tôi nói muốn tắm thuốc thì nhân viên thu ngân trao cho tôi một tờ giấy có ghi mã số, số tiền đã thanh toán và có người dẫn lên phòng thay đồ. Hóa đơn tắm không là 60.000đ, thêm massage thì 180.000đ. Khu spa được phân chia cho nam và nữ. Mỗi người được sở hữu một ngăn tủ để cất đồ sau khi đã thoát y và quấn khăn tắm. Những chiếc khăn tái sử dụng mang một màu nâu nhạt có lẽ do đã ngấm các vị thuốc. Mỗi cửa phòng có nhân viên căn xem thời gian, hướng dẫn các quy trình cho khách.
Bước đầu tiên, tôi vào phòng tắm nóng lạnh bình thường khoảng 5 phút. Nước từ vòi hoa sen dội xuống tạo nên cảm giác quen thuộc, trừ khứu giác được kích thích bởi mùi nước lá tỏa khắp phòng. Rồi nhân viên giúp tôi bỏ khăn tắm để vào ngâm mình trong thùng gỗ đã chứa nước nóng. Nước có màu nâu nâu được giới thiệu là nước hoa hồng và ngải cứu nhằm làm mềm da, bong các vết chai sần.
Vì mùa hè nóng bức, nên mỗi khi đi làm về, tôi chỉ “mơ” đến vòi hoa sen nước lạnh. Nhưng hôm nay, khi ngâm mình trong thùng gỗ, tôi mới cảm thấy thật sự tác dụng của nước nóng mùa hè. Nhiệt độ trong thùng gỗ (khoảng 40 độ C) khiến toàn thân tôi bắt đầu được thả lỏng, giãn ra. Lực đẩy của nước làm tôi dập dềnh, khuấy động khiến mùi nước thuốc càng ngào ngạt. Nước như đang xòe bàn tay nhẹ nhàng, mơn trớn khắp cơ thể. Dường như chúng đang “lần tìm” và “lôi ra” những hạt bụi nhỏ trong các lỗ chân lông bởi tôi nhận thấy sự thông thoáng. Ngâm được một lúc, tôi sờ tay lên khắp cơ thể, thấy làn da mềm hơn. Sự mệt mỏi của ngày làm việc nhờ đó cũng nhẹ dần, nhẹ dần.
Mỗi phòng tắm ở đây dùng cùng lúc cho hai người. Cùng phòng với tôi là một người phụ nữ đã vào trước, đã qua khâu ngâm bình gỗ và đang ngâm trong bồn massage. Chị cho biết “mỗi tuần chị đến đây một lần, thấy thoải mái và thảnh thơi”. Chị còn tự tin khoe với tôi “Em thấy da chị có ổn không, sinh hai con rồi đó. Mình là phụ nữ phải dành thời gian mà đi spa, cũng không đáng mấy tiền mà đó là cách giữ chồng đấy”. Tôi gật đầu nhưng quả thật chưa tin lắm, còn chị thì vừa nằm ngâm mình, vừa lim dim trông thật thư thái .
Ảnh minh họa |
tắm thuốc - Hiện đại tôn vinh truyền thống
Ngồi trong thùng gỗ được khoảng 5 phút, nhân viên phục vụ phòng vào chỉ cho tôi chuyển sang ngâm mình trong bồn tắm massage. Đây là bồn tắm sứ có hệ thống sục để tạo thủy lực. Nước trong bồn cuồn cuộn như ở nguồn chảy, va chạm mạnh rồi trườn lên từng phần cơ thể. Nước nóng màu vàng chanh, thơm mùi vỏ quýt và nồng nồng mùi men.
Tôi hỏi đó là nước gì thì cô nhân viên trả lời là nước rượu nấu vỏ quýt và cỏ thơm để tuần hoàn máu nhanh. Mùi nước nghe quen quen như nồi nước tắm mẹ nấu chiều 30 Tết thời ấu thơ. Sau một hồi được nước “vỗ đập”, tôi cảm nhận rõ ràng lỗ chân lông giãn mạnh, toàn thân cảm giác nở ra, sảng khoái. Không cần chà sát bằng bông tắm, dùng tay rờ nhẹ lên da tôi cứ ngỡ đã lâu lắm mình mới được một lần “lột vỏ”.
Liệu trình này chỉ kéo dài tối đa là 7 phút, rồi tôi sẽ bước sang phòng xông hơi. Tại đây có bệ đá ngồi và chậu nước ngâm chân đã đặt sẵn. Hơi nước nóng nghi ngút, như một làn sương trắng bao phủ quanh tôi. Mùi hương sả và gừng thơm lừng từ chậu nước ngâm chân khiến tôi muốn hít thật sâu. Nhân viên hướng dẫn tôi ngồi trong đó 3-5 phút. Khi từng giọt mồ hôi lã chã rơi, tôi thấy nhẹ bẫng, sạch thoáng toàn thân. Dường như những bụi bặm của phố phường và khí độc trong người đã được đẩy hết ra khỏi cơ thể, khiến làn da trơn sạch và láng mịn hơn hẳn.
Tôi vốn là kẻ nhà quê, lần đầu tiên tắm thuốc, dẫu chưa hoàn toàn bị “đánh gục” nhưng nước và thuốc đã khiến tôi thực sự thấy nhẹ bẫng toàn thân. Khi ấu thơ, tôi đã nhiều lần quen với nồi nước lá sả, hương nhu, gừng, hoa bưởi, lá ngải giải cảm phòng cúm. Cái mùi thanh nhẹ bây giờ vào spa đã nồng nàn hơn vì có thêm nhiều vị hơn, tính thuốc hơn, được nấu kỹ hơn. Đặc biệt chúng có sự thẩm thấu, thấm tháp hơn vì nước được hỗ trợ bồn massage, xông hơi nên nó không đứng im mà “hiếu động”. Chính vì thế nước đã tạo động lực đẩy hương cỏ cây vào sâu trong da thịt.
Nhưng không cho tất cả
Để đứng ngoài cảm xúc mà hiểu hơn tính khoa học, tôi đã liên hệ với anh Nguyễn Thanh Trường, chuyên gia của Hương Sen thì anh cho biết: “Bí quyết của chúng tôi cũng là học tập bài tắm thuốc truyền thống của đồng bào Dao. Mục đích chính là tắm thuốc vì sức khỏe, phòng chữa bệnh, cảm cúm, đau nhức, ngừa tăng tuần hoàn máu và làm sạch thoáng da, chậm lão hóa”.
Việc tắm thuốc để khỏe chẳng ai rõ có từ bao giờ nhưng từ ngàn năm trước, sách Lễ Ký, Hoàng đế nội kinh (Trung Quốc) đã ghi nhận tắm thuốc là Dược liệu pháp “đầu lở loét nên gội, thân có bệnh nên tắm” và “nếu ngoại tà xâm nhập nên tắm, ngâm để tà khí theo mồ hôi đi ra”. Sau khi tắm, dịch thuốc tác động lên huyệt vị, nếu kết hợp với massage thì càng tăng cường chức năng phủ tạng, lưu thông khí huyết.
Tuy nhiên không phải bất cứ người nào cũng được khuyến khích tắm thuốc xông hơi. Ngay từ cửa ra vào, tại quầy lễ tân, trung tâm đã đặt một tấm bảng khuyến cáo rõ ràng những đối tượng nên tránh. Đó là những người uống rượu bia xong, huyết áp không ổn định, dễ xuất huyết… Phụ nữ ngày đèn đỏ cũng không nên tắm thuốc. Mùi của thuốc thơm nồng cũng khiến một số người không thích vì thấy chúng ngột ngạt.
Rời phòng tắm ra về, tôi thấy mình khoan khoái lạ thường, hương cỏ cây vẫn phảng phất và đêm đó tôi được giấc ngủ ngon sau nhiều ngày thao thức vì đợt nắng nóng lịch sử.
Hiện nay, nhiều spa đã phát triển phương pháp tắm thảo dược. Tuy nhiên mỗi spa lại có quy trình tắm khác nhau. Có nơi chỉ có ngâm mình trong bồn gỗ 20-40 phút với đầy đủ các loại thảo dược và tinh dầu, kết hợp với tắm nóng trước đó. Có nơi lại nhằm mục đích tắm trắng nên kết hợp cả với tắm bột ngọc trai… |
Hồng Nhung
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học