Theo các nhà thủy liệu pháp, tắm có ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng của cơ thể, đồng thời góp phần ngăn ngừa những căn bệnh cấp tính và mãn tính nguy hiểm khác. Hơn thế, tắm còn là cách thư giãn cơ thể, nhất là vào mùa nắng nóng, vì nó mang lại cảm giác phấn chấn cho tinh thần.
Để tận hưởng trọn vẹn sự thoải mái, bạn cần chọn giải pháp tắm bồn có bổ sung vào nước tắm những loại tinh dầu hoặc chất liệu phù hợp để tái tạo sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tắm ngũ cốc
Thành phần được chiết xuất từ lúa mì và yến mạch có hàm lượng chất béo dồi dào, có công dụng làm dịu cho làn da khô sần cũng như giữ ẩm cho da.
Lưu ý chọn nhiệt độ nước tắm bồn thích hợp là khoảng 36 độ C, tránh dùng nước quá nóng dễ làm rát và gây bỏng cho da, nhất là đối với làn da mỏng.
Sau khi ra khỏi bồn, không cần phải tắm lại mà chỉ lau khô người một cách nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh để duy trì lớp màng bảo vệ cho da, và tránh sử dụng kem dưỡng thể sau khi tắm bồn theo hình thức này.
Tắm sữa
Khi da nổi mụn, nhờn, tiết nhiều mồ hôi, cần chọn sữa tắm có chứa thành phần kháng khuẩn giúp tẩy chất dầu, chất nhờn trên da như acid salicylic, triclosan, bentonite…
Có thể chọn loại chứa tinh chất làm dịu da như bạc hà, cam thảo, oải hương, nho, chanh... để tạo cảm giác sảng khoái cho làn da. Da thường và hỗn hợp cần chọn sữa tắm có chiết xuất từ oải hương, dưa leo, trà… Tắm sữa còn giúp loại bỏ cảm giác mệt mỏi, chữa bệnh tiết nhiều mồ hôi và hạ thấp thân nhiệt một cách hữu hiệu
Da khô cần chọn sữa tắm chứa vitamin như A, C, E. Có thể chọn loại chiết xuất từ ô liu, oải hương, xoài, hương thảo... Da nhạy cảm nên chọn sữa tắm đã điều chế với công thức nhẹ nhàng, kết hợp tinh chất từ thiên nhiên. Có thể chọn sữa tắm có chứa provitamin B5 giúp làm lành nhanh những tổn thương trên da. Tránh lọai có chứa thành phần tạo mùi hương nhân tạo.
Tắm nước biển
Nếu mỗi tuần tắm với nước biển từ 1-2 lần hoặc ngâm mình trong bồn tắm có chứa nước biển (có thể dùng một ít muối hòa chung với nước ngọt để thay thế) trong khoảng 10 phút, bạn sẽ có máu lưu thông tốt, tim mạch khỏe và da dẻ hồng hào.
Tương tự, việc ngâm mình trong bồn nước có pha chút giấm cũng rất tốt cho sức khỏe, nhất là với những người thường bị viêm hoặc ngứa da. Thành phần acid acetic có trong giấm rất tốt cho làn da.
Tắm với lá
Đun sôi lá rau diếp cá và hòa nước tắm sẽ giúp giảm cơn đau khớp và cơ bắp. Đun sôi lá ngải cứu tươi (khoảng 50gr) rồi pha nước tắm sẽ giúp điều hòa khí huyết. Tắm với lá tía tô giúp chống lây nhiễm, giảm căng thẳng.
Tắm nóng hoặc lạnh
Tắm nóng thích hợp ở nhiệt độ khoảng 50 độ C, nếu bạn có thể trạng cơ thể tốt. Tắm lạnh thường ở nhiệt độ dưới 20 độ C, nếu bạn có thể trạng sức khỏe dẻo dai và bền bỉ. Trường hợp tắm nóng lạnh xen kẽ nhau, bạn có thể tắm lạnh trước sau mới tắm nóng hoặc ngược lại.
Tắm hơi hay còn gọi là sauna là để cơ thể được xông trong một phòng kín, có nhiệt độ khoảng 68 độ C, độ ẩm 25%. Người mới tắm hơi lần đầu chỉ nên tắm trong khoảng thời gian ngắn từ 6-12 phút, tuyệt đối không dùng cồn hoặc rượu kết hợp với hơi nóng khi tắm.
Trường hợp phụ nữ có thai, người mắc bệnh về da và tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm và chỉ nên tắm trong khoảng vài phút là tốt nhất. Trẻ em tắm hơi cần có sự giám sát của người lớn. Tắm nước lạnh sau khi tắm và xông hơi sẽ cho bạn cảm giác sảng khoái, nhưng có thể tác động đến các mạch máu, vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tắm bùn, cát
Tắm cát là liệu pháp dùng cát nóng tự nhiên khoảng 40 độ C lấp đầy cơ thể, từ cổ xuống đến hai chân nhằm giúp thư giãn cơ bắp, kích thích tuần hoàn máu, giảm đau nhức… Mỗi lần chỉ nên tắm trong vòng 20 phút, sau đó dùng nước ấm tắm lại và uống thật nhiều nước.
Tắm bùn giúp các mạch máu nhỏ giãn nở, kích hoạt tiến trình trao đổi chất trong cơ thể, mang lại cảm giác phấn chấn cho tinh thần và giảm thiểu các bệnh lý có liên quan về da.
Có nhiều hình thức tắm bùn như tắm với bùn biển, bùn than, bùn nhân tạo, bùn có nguồn gốc từ núi lửa… Nên vận động hoặc phơi nắng trước khi tắm bùn, vì điều này giúp gia tăng thân nhiệt và làm cho các hoạt chất trong bùn dễ thẩm thấu vào da.
Giúp khung xương chắc khỏe và giảm thiểu các bệnh ngoài da nhờ hấp thu nhiều vitamin D tự nhiên. Tốt nhất nên tắm từ 15-20 phút đồng thời không nên đọc sách báo hoặc ngủ trong khi tắm. Tuy nhiên, tắm nắng cần hạn chế với những người có thể trạng yếu, đang sốt ở nhiệt độ cao, nhịp tim nhanh…
Tắm gừng, trà, vỏ quýt
Tắm gừng giúp xoa tan sự mệt mỏi và thúc đẩy quá tình trao đổi chất của cơ thể. Giã nhỏ củ gừng thật nhuyễn, dùng vải mỏng lược qua với nước nóng và cho vào bồn tắm với nước ấm.
Tắm trà giúp làm đẹp da, đặc biệt đối với da khô. Thành phần axit tanic có trong trà còn giúp diệt khuẩn, làm liền vết thương, tiêu trừ chất độc. Tắm với vỏ quýt giúp thư giãn. Nấu chung vỏ quýt cùng tinh dầu thơm và lấy chất tiết ra để tắm. Hương thơm của vỏ quýt rất tốt để tạo cảm giác thư giãn cho cơ thể.
Vân Vi
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình