Hiểm họa từ việc nhầm lẫn
Gần đây, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một trường hợp ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra do người dân nhầm lẫn con so biển thành con sam biển. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện nhanh chóng, bao gồm tê buốt, chóng mặt, nôn ói, và suy nhược nghiêm trọng. Nhờ việc nhập viện kịp thời, tính mạng người này đã được cứu, nhưng trường hợp này đã gõ hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng từ các sản phẩm hải sản.
Con so biển chứa độc tố tetrodotoxin – một chất độc có khả năng tê liệt cơ thể và ngừng tuần hoàn (Ảnh: Internet)
Độc tố này không tan trong nước và không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, dù nấu chín hay phơi khô. Ngược lại, con sam biển hoàn toàn an toàn và là nguồn thực phẩm giàu dạng dinh dưỡng. Tuy nhiên, hình dáng tương đồng giữa hai loài dẫn đến những nhầm lẫn chết người.
Nguy cơ và hậu quả ngộ độc
Trong con so biển có độc tố tetrodotoxin giống độc tố của cá nóc, bạch tuộc vòng xanh và cóc. Độc tố này cực mạnh, tác động vào hệ thần kinh gây liệt các chi, ứ đọng đàm nhớt không khạc ra được và liệt cơ hô hấp dẫn đến thiếu ô-xy khiến bệnh nhân sùi bọt mép và chết vì ngưng thở.
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), tetrodotoxin đã từng được ghi nhận trong các loài như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, và đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tử vong trên khắp thế giới.
Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn con so biển, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê sâu, phải tiến hành thở máy, lọc máu liên tục; thậm chí có ca tử vong.
Hiện y khoa chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với độc chất tetrodotoxin. Thông thường, bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc tăng sức cơ, sử dụng than hoạt tính, lọc máu để đào thải chất độc…
Người ăn thịt con so bị ngộ độc nặng hay nhẹ phụ thuộc vào hàm lượng chất độc đã ăn từ thịt con so hoặc cân nặng của cơ thể so với độc chất ăn vào. Với những ca bệnh nhẹ, người bệnh thường chỉ tê đầu lưỡi, nôn mửa, mệt mỏi và điều trị vài ngày có thể xuất viện.
Nhưng ở ca nặng sẽ sớm rơi vào hôn mê; lúc này, bệnh nhân phải được điều trị và thở máy suốt hai tuần (Ảnh: Internet)
Đặc điểm phân biệt giữa con sam và con so
Việc phân biệt con sam và con so dựa vào hình dáng, kích thước, và tính cách di chuyển. Dưới đây là những điểm nhận dạng cụ thể:
Kích thước: Con sam biển có kích thước lớn, từ 25 cm trở lên, trong khi con so nhỏ hơn.
Đuôi: Đuôi con sam dài, có gai nhọn dạng lưỡi cưa, còn con so thì đâu ngắn và không có gai nhọn.
Hành vi di chuyển: Sam thường đi theo cặp, con đực bám lên con cái, trong khi con so di chuyển riêng lẻ, chỉ bám vào nhau trong mùa giao phối.
Người tiêu dùng có thể nhận dạng bằng các đặc điểm này, nhưng người mua bán hải sản cũng cần nâng cao nhận thức và kỹ năng phân loại để tránh nhừng sai lầm nguy hiểm.
Trên mình con sam có nhiều khoanh tròn dọc từ đầu đến đuôi, còn khoanh tròn trên mình so biển thường cách đuôi từ 3-4cm. Đồng thời, con so có kích thước nhỏ, thường nặng chưa tới 1kg. Trong khi đó, con sam thường đi một cặp, con đực có kích thước nhỏ hơn và bám trên lưng con cái nên dân gian có câu “dính như sam”; trong khi con so đi một mình hoặc đi đôi.
Ứng phó khi có người ngộ độc so biển
Chất độc tetrodotoxin ở con so tập trung ở gan, nội tạng, da và tuyến sinh dục. Chất độc này ở con cái nhiều hơn con đực (vì nồng độ độc tố có chứa rất nhiều ở buồng trứng). Tetrodotoxin tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy khi nấu chín hay phơi khô, sấy, và hấp thu nhanh qua đường ruột, dạ dày chỉ trong vòng 5-15 phút. Do đó, tốt nhất người dân không nên ăn con so, dù nhiều người khẳng định biết cách chế biến như cá nóc cũng không nên ăn.
Hiện thế giới ghi nhận 4 loài sinh vật biển thuộc họ sam. Riêng các vùng biển Việt Nam xuất hiện phổ biến nhất là loài Tachypleus tridentatus (còn gọi con sam hay sam đuôi tam giác…) có nhiều từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận và loài Carcinoscorpius rotundicauda cực độc (còn gọi con so hay sam lông, sam đuôi tròn, một số nơi gọi là sam nhỏ…) thường sống ven biển trải dài cả nước.
Khi gặp nạn nhân bị ngộ độc so biển, người xung quanh cho nạn nhân nằm nghiêng một bên để đàm nhớt chảy ra. Ngay sau đó, chuyển nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Chất độc tetrodotoxin cực mạnh, không thể dùng các biện pháp dân gian như: móc họng cho ói, cạo gió hoặc áp dụng các “chiêu” giải độc trúng thực…
Việc bệnh nhân được cứu sống hay không phụ thuộc vào thời gian nhập viện và điều trị kịp thời. Nếu nhập viện trễ, dù cứu được bệnh nhân cũng dễ rơi vào đời sống thực vật do thiếu ô-xy lên não quá lâu.
Hồng Lâm
Theo Người đưa tin