Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần của não bị gián đoạn hoặc giảm sút, ngăn cản mô não nhận được oxy và dưỡng chất cần thiết. Điều này dẫn đến việc các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đột quỵ có hai loại chính: đột quỵ thiếu máu não (ischemic stroke) và đột quỵ xuất huyết. Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn, thường do cục máu đông. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, gây chảy máu vào mô não hoặc không gian quanh não.
Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp y tế và cần được can thiệp ngay lập tức. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những hậu quả nghiêm trọng như tàn tật vĩnh viễn, suy giảm nhận thức và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Một trong những lý do khiến đột quỵ nguy hiểm là vì nó thường "ẩn mình" và xảy ra đột ngột. Các triệu chứng của đột quỵ thường phát triển nhanh chóng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi bạn đang ngủ. Nhiều người không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ hoặc coi thường chúng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ y tế.
Đột quỵ có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động và các bệnh lý tim mạch (Ảnh: Internet)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ. Trong số đó, khoảng 5 triệu người chết và 5 triệu người khác phải sống với những hậu quả nặng nề do đột quỵ gây ra. Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư, với tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 11% tổng số các ca tử vong.
Ngoài ra, đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người trưởng thành. Khoảng 50% số người sống sót sau đột quỵ phải sống với các di chứng như liệt nửa người, khó nói, khó nuốt, và suy giảm nhận thức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn đặt gánh nặng lớn lên gia đình và hệ thống y tế.
Thông thường, trước khi xảy ra biến chứng đột quỵ, cơ thể sẽ đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo để chúng ta kịp thời phát giác và sớm đến bệnh viện để điều trị. Trong đó, có 5 dấu hiệu thường thấy nhất, bao gồm:
1. Mất thăng bằng
Liên tục mất thăng bằng, choáng váng và vấp ngã là một trong các dấu hiệu phổ biến để chẩn đoán cơn đột quỵ não đang chuẩn bị xảy ra. Nhiều người lầm tưởng đây chỉ là một cơn thiếu máu não thoáng qua - thường sẽ kéo dài từ trong vài phút và dưới 1 - 2 giờ nên vẫn hay chủ quan với nó. Tuy nhiên, dấu hiệu thiếu máu não này nếu kéo dài có thể gây tổn thương đến vùng kiểm soát sự cân bằng của não, dẫn tới ảo giác rằng bạn đang di chuyển nhưng thực tế thì không. Sự mất cân bằng này có thể khiến bạn bị ngã khụy và gây ra đột quỵ bất ngờ.
Mất thăng bằng thường đến từ chứng thiếu máu não thoáng qua, tuy nhiên không nên chủ quan mà cần bổ sung thêm sắt và kẽm để tạo máu cho cơ thể cũng như não bộ, tránh dẫn đến đột quỵ bất ngờ (Ảnh: Internet)
Từ số liệu thống kê cho thấy, tới khoảng 15% những người gặp các cơn thiếu máu não bị tai biến sau đó trong vòng 3 tháng, và hơn một nửa bệnh nhân trong tỷ lệ này lên cơn đột quỵ não trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua. Chính vì vậy, bạn không được bỏ qua khi mắc phải dấu hiệu này, cần ngừng lại các công việc mình đang làm, lập tức nạp nước vào cơ thể, sau đó là nghỉ ngơi. Nếu trong vòng 1 giờ đồng hồ, sự mất thăng bằng không có dấu hiệu ngừng lại, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán.
2. Thị lực yếu
Khi một cơn đột quỵ sắp diễn ra, thị lực của người bệnh có thể bị suy giảm một cách đột ngột. Tuy nhiên, vì đây là một triệu chứng “thầm lặng” - không phổ biến, hoặc không được để ý tới do thường bị lầm tưởng là khô mắt hoặc tiếp xúc nhiều với các loại ánh sáng xanh từ thiết bị công nghệ.
Nhưng, nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là do thùy não bộ (bộ phận chịu trách nhiệm về khả năng nhìn) không được cung cấp đủ oxy, khiến quá trình làm việc của bộ phận này không diễn ra trơn tru và gây ảnh hưởng đến thị lực, khiến người bệnh thấy mọi thứ bị nhòe hoặc mờ đi. Hãy chú ý dấu hiệu này, và báo ngay cho người thân biết nếu cảm thấy có triệu chứng mất thăng bằng đi kèm.
3. Mặt mất cân đối
Đây được xem là dấu hiệu dễ nhận biết và phổ biến nhất để chẩn đoán cơn đột quỵ não sắp xảy ra. Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu giải thích là do lượng oxy trong máu nhằm cung cấp đến não bộ bị giảm dần, gây ra tổn thương các dây thần kinh có tác động đến cơ mặt. Khuôn mặt của bệnh nhân khi đó sẽ trì xuống, một phần hoặc một nửa khuôn mặt của họ bị tê liệt, không thể cử động được.
Nếu thấy một người đang gặp phải dấu hiệu đó và nghi ngờ họ sắp bị tai biến, hãy thử yêu cầu họ cười. Nếu nụ cười bị lõm một phần, một bên mặt xệ xuống thì hãy nhanh chóng đưa họ đi đến bệnh viện để phòng ngừa kịp thời cơn đột quỵ sẽ xảy ra bất ngờ.
Một người sắp xảy ra cơn đột quỵ thông thường sẽ bị tê liệt một nửa cơ mặt và những vị trí ở vùng đó hoàn toàn bất động (Ảnh: Internet)
4. Tê liệt các bộ phận cơ thể
Một người sẽ không nhận ra tay của họ bị yếu hoặc tê liệt cho đến khi đột nhiên phát hiện mình không thể làm hoặc cầm nổi thứ gì, Sau khi bị tê liệt cánh tay, người bệnh có thể tiếp tục bị liệt một phần bên cơ thể, thậm chí là nửa người. Khi này, người bệnh khó có thể di chuyển hoặc cử động dù cho đã cố gắng điều khiển cơ thể, đặc biệt là sẽ đổ ngã về bên phía đang suy yếu do vị trí này đã bị tê liệt, không thể chống đỡ nổi trọng lượng cơ thể.
Đây là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến liệt mãi mãi nếu không được đưa đến cơ sở y tế hoặc cho uống thuốc kịp thời.
5. Nói lắp, nói không rõ nghĩa
Một người khi sắp đột quỵ (đặc biệt là đột quỵ ở bên não trái) thường có những biểu hiện bất thường thông qua lời nói, triệu chứng này được xem là tương đối an toàn và dễ dàng phát hiện. Người bệnh có thể bỗng dưng im lặng hoặc nói các điều không liên quan, nói không rành mạch và nói lắp.
Điều này được lý giải là do các cục máu đông đột nhiên xuất hiện và cản trở quá trình lưu thông máu tới vùng não bộ chịu trách nhiệm điều khiển khả năng nói và giao tiếp của mỗi người. Nếu nghi ngờ một người có thật sự đang có triệu chứng của một cơn tai biến bất chợt hay không, bạn có thể thử bằng cách yêu cầu họ lặp lại một câu gì đó. Nếu điều đó khiến họ cảm thấy khó khăn và liên tục nói lắp, đừng chần chờ gì mà hãy đưa họ đi bệnh viện ngay lập tức.
Nói lắp được xem là một dấu hiệu cho cơn tai biến tương đối an toàn, có thể phát hiện dễ dàng và kịp thời đưa đi bệnh viện để điều trị, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra (Ảnh: Internet)
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là chứng bệnh có thể xảy ra ở bất kì đâu và bất cứ lúc nào, do đó, nắm rõ các triệu chứng báo hiệu cơn đột quỵ có thể xảy ra và kịp thời đưa đến bệnh viện là cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh. Tuyệt đối không chủ quan ở mọi dấu hiệu, dù nặng hay nhẹ vẫn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức, phòng bệnh hơn chữa bệnh bạn nhé!
Xem thêm: Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin