Hoạt động suốt cả ngày trời sẽ khiến cơ thể cạn kiệt năng lượng và rơi vào trạng thái mệt mỏi. Lúc này, cơ thể cần được nghỉ ngơi, thư giãn thông qua giấc ngủ. Đồng thời, thời điểm ta nghỉ ngơi cũng chính là lúc các cơ quan trong cơ thể tiếp tục thực hiện quá trình lọc và thải độc.
Bắt đầu từ lúc 21h, mỗi cơ quan bên trong cơ thể sẽ bắt đầu thực hiện các chức năng riêng biệt của nó. Vì vậy, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến khích mọi người nên đi ngủ sớm trước 23h (để cơ thể chìm vào giấc ngủ REM trước 0h) - điều này sẽ giúp các hoạt động của cơ quan trong cơ thể được vận hành trơn tru và hiệu quả.
Cho đến sáng tầm khoảng 5 - 7h, quá trình thực hiện chức năng của các cơ quan sẽ ngừng lại, và bạn sẽ thức giấc để hoàn thiện bước cuối cùng, chính là đại tiện - nhằm đào thải hết các cặn bã đã được lọc ở tối hôm trước. Quá trình này được diễn ra trong vòng 8 tiếng, nếu có thể làm đúng với quy trình này sẽ giúp sức khỏe luôn ổn định, tinh thần thoải mái.
Một cách cụ thể, cơ thể của chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện các chức năng tại những khung giờ như sau:
Khung giờ từ 21 - 23h: hệ miễn dịch đào thải chất độc
Trong Đông y, từ 21h đến 23h (giờ Hợi) là khung giờ cực kì quý báu, cũng được xem là khung giờ vàng cho sức khỏe. Khoảng thời gian này, 3 kinh mạch chính của cơ thể hoạt động rất mạnh, làm thông hàng trăm kinh mạch khác.
Ba kinh mạch này là thượng tiêu gồm lưỡi, thực quản, tim phổi, trung tiêu gồm dạ dày và hạ tiêu gồm ruột non, ruột già, thận và bàng quang. Nếu có thói quen ngủ vào giờ này, thì trăm mạch đều được nuôi dưỡng.
Những người khỏe mạnh sống đến trăm tuổi thường có thói quen ngủ vào giờ này. Đặc biệt, phụ nữ muốn kéo dài tuổi thanh xuân thì đây được xem là giờ ngủ nghỉ lý tưởng nhất (Ảnh: Internet)
Chưa kể, khung thời gian này còn là thời điểm mà hệ miễn dịch bắt đầu đào thải chất độc. Vì thế, bạn nên thả lỏng toàn bộ cơ thể và tinh thần của mình bằng cách nằm yên trong một không gian yên tĩnh, có thể nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc đọc sách để cân bằng tâm trí, và nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử để ánh sáng xanh không ảnh hưởng đến tuyến yên trong quá trình sản sinh melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ của con người.
Khung giờ từ 23h - 3h: gan và túi mật cùng thực hiện chức năng bài độc
Theo đó, từ khung 23h - 1h, gan sẽ làm nhiệm vụ thải độc, loại bỏ các chất thừa thải ra ngoài cơ thể, sử dụng triệt để các chất dinh dưỡng của thực phẩm đã được nạp vào cơ thể trong ngày và giúp việc trao đổi chất trong cơ thể được tốt hơn. Từ 1h đến 3h, túi mật trong gan giúp cơ thể tiêu hoá chất béo, mỡ xấu, cholesterol trong thức ăn và trong máu.
Ngủ say trong thời điểm này sẽ giúp cơ thể được thải sạch mọi cặn bã có trong thực phẩm mà chúng ta đã nạp vào cơ thể trong cả ngày, từ đó giúp giữ gìn sức khỏe, hạn chế mọi nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra (Ảnh: Internet)
Khung giờ 3h - 5h: phổi đào thải các chất độc
Phổi của bạn là một trong những cơ quan đầu tiên cần lấp đầy khí bằng cách thu thập oxy, và di chuyển nó đến tất cả các hệ thống khác để chuẩn bị cho một ngày mới. Tại khung giờ 3h - 5h, phổi sẽ được “thả lỏng” để tống chất độc ra ngoài bằng cách trao đổi khí. Đó là lý do vì sao, đôi khi bạn sẽ thức dậy với vài cơn ho nhẹ, vì lúc này phổi đang tống chất độc còn nghẹn lại ở hệ hô hấp thông qua cơn ho.
Khung giờ 5h - 7h: thức dậy để thực hiện chức năng bài tiết
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc đi đại tiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đặc biệt là vào khung từ 5 - 7h được xem là tốt nhất cho cơ thể. Bởi thời gian tiêu hóa thức ăn trong cơ thể thường mất khoảng 12 tiếng, vào lúc này lượng phân từ thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già mới đủ để kích thích thành ruột hình thành phản xạ đại tiện.
Bạn sẽ cảm thấy mình muốn đi vệ sinh sau 30 phút khi thức dậy, đây được xem là “tiếng chuông” của cơ thể, báo hiệu việc muốn đào thải hết các chất cặn bã từ trong cơ thể ra bên ngoài. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho đường ruột của chúng ta. Do đó, việc muốn đi đại tiện vào buổi sáng chứng tỏ chức năng tiêu hóa của cơ thể vẫn bình thường, không có sự rối loạn nào cả.
Bạn nên học cách đi đại tiện vào buổi sáng để tạo thói quen cho bản thân. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu không đi đại tiện vào buổi sáng, các chất cặn bã của thức ăn sẽ tích tụ trong cơ thể tạo thành độc tố, lâu dần các chất độc sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Internet)
Xem thêm: Gánh nặng tâm lý từ việc thi trượt lớp 10: cha mẹ phải là điểm tựa cho con lúc này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin