1. Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng
Đây là một bí quyết trong ăn uống của người Nhật, cực kỳ bổ ích và hiệu quả trong việc tăng cường sức khoẻ mà chúng ta nên học tập.
Cụ thể, thực đơn của người Nhật đa số là các loại thực phẩm ít béo như cá, đậu nành, rau, gừng và trà xanh,... chế biến ra những món ăn ít muối và có hàm lượng protein cao. Cấu trúc bữa ăn này giúp họ tránh nguy cơ gặp chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, họ thường ăn nhiều hải sản hơn là thịt, từ đó nhận được nhiều giá trị dinh dưỡng quý giá, đặc biệt là nhóm axit béo không bão hòa đa có trong cá biển sâu - tăng cường trí não và sức khoẻ của mỗi người, chẳng hạn ngăn ngừa bệnh cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường và bệnh tim.
Ngoài ra, người Nhật tiêu thụ nhiều chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày, thông qua rau xanh và trái cây giúp họ cung cấp thêm các loại vitamin, chất xơ, đồng thời cũng có thể loại bỏ được lượng muối dư thừa trong cơ thể. Đặc biệt hơn, họ cũng thường ăn nhiều tảo/ rong biển - thường được chế biến thành các món canh súp. Trong một nghiên cứu về rong biển, người ta thấy rằng ăn 5g - 10g rong biển khô mỗi ngày cũng có thể giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch và mạch máu não.
Nếu có tìm hiểu văn hoá ẩm thức của Nhật Bản, ta sẽ thấy bàn ăn hàng ngày của họ rất phong phú. Tuy nhiên, chúng đa số là những loại đồ ăn thanh đạm và chứa ít calo (Ảnh: Internet) |
2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn
E ngại tia UV có trong nắng mặt trời cũng như nhịp sống vội vã khiến chúng ta chỉ quẩn quanh cùng với chiếc máy tính, điện thoại thay vì ra ngoài để tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Đó cũng chính là một nguyên do khiến sức khoẻ chúng ta âm thầm “cạn kiệt”.
Nhiều chuyên gia sức khoẻ cho biết, dù nắng có chứa nhiều tia cực tím gây hại cho da nhưng không phải lúc nào cũng thế. Nếu biết phơi nắng vào thời điểm thích hợp thì ta có thể nhận được khá nhiều lợi ích từ chúng.
Đầu tiên, nó sẽ thúc đẩy sự hình thành vitamin trong cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và ngừa cận thị cho con người. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên dồi dào nhất, có tác dụng tăng cường sức khỏe xương.
Tiếp đó, nó cũng được coi là bài thể dục hữu hiệu cho tim. Ánh nắng mặt trời làm tăng lưu thông máu, đặc biệt ở các tĩnh mạch, giảm cholesterol và nhu cầu tiêu thụ oxy ở cơ tim, giúp điều hòa huyết áp, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thời điểm tắm nắng an toàn là 7- 9 giờ sáng đối với mùa đông, 6h30 - 7h30 sáng đối với mùa hè và không nên tắm nắng quá 30 phút (Ảnh: Internet) |
3. Uống một cốc nước lọc sau khi thức dậy
Sau mỗi lần thức dậy, việc đầu tiên bạn nên làm không phải là đánh răng, rửa mặt mà là uống ngay một cốc nước lọc, khi bụng còn đang rỗng.
Hành động này sẽ giúp bù nước cho cơ thể sau một đêm dài, hỗ trợ kích thích hệ bài tiết, tiêu hóa, thải độc, và tăng sự trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt là giúp tuần hoàn máu trơn tru hơn, giúp cho việc sản xuất các tế bào cơ và tế bào máu mới hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thói quen này còn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa sỏi thận và nhiễm trùng bàng quang. Uống nước khi đói giúp loại bỏ và cân bằng hệ bạch huyết, dẫn đến tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, nó cũng cung cấp năng lượng cho não và nuôi dưỡng sự tỉnh táo, tâm trạng tích cực. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu hơn.
4. Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tích cực
Bên cạnh thể chất khoẻ mạnh, tâm lý vui vẻ - tích cực cũng được xem là một liệu pháp giúp cơ thể tránh xa mọi bệnh tật. Đây cũng chính là một trong những bí quyết sống lâu của người Nhật, giúp họ có tuổi thọ trung bình dài hơn các nước khác.
Theo y học cổ truyền phương Đông, nếu một người bị căng thẳng quá mức hay có tâm trạng u uất trong thời gian dài sẽ khiến khí huyết trong cơ thể bị tắc nghẽn, chất độc tích tụ, quá trình trao đổi chất của các cơ quan khác nhau bị chặn lại, khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đối mặt với không ít bệnh tật.
Ngược lại, giữ tâm trạng vui vẻ mỗi ngày thì quá trình tuần hoàn trong cơ thể sẽ được thông suốt, đẩy lùi bệnh tật và kéo dài tuổi thọ (Ảnh: Internet) |
5. Ngủ sớm, không ăn đêm
Theo nhiều khảo sát cho thấy, nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh lý về thận, gan và dạ dày cao nhất, bắt nguồn từ thói quen thích ăn các loại thức ăn nhanh, nhiều đường, nhiều dầu mỡ vào ban đêm. Chính thói quen này đã làm tăng gánh nặng cho nhiều cơ quan nội tạng. Trong thời điểm đáng lẽ cần được nghỉ ngơi, phục hồi thì chúng lại phải làm việc quá sức để đẩy nhanh quá trình giải độc và trao đổi chất, khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ, làm suy giảm chức năng của các cơ quan và dễ mắc bệnh hơn.
Bên cạnh đó, do nhiều lý do khác nhau mà tình trạng thiếu ngủ - mất ngủ cũng đang chiếm tỷ lệ không nhỏ, gây hại cho não bộ và làm trì trệ các hoạt động của cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình lão hoá sớm. Nó giống như một vòng luẩn quẩn không hồi kết, ta bị mất ngủ - thiếu ngủ khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol gây thèm ăn; ăn đêm khiến các cơ quan phải làm việc cật lực khiến khó đi vào giấc ngủ; uể oải vào buổi sáng nhưng đến đêm thì lại tiếp tục tình trạng mất ngủ như trên. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì ăn đêm và thức khuya luôn là hai trong những yếu tố nguy cơ, cấu thành nhiều bệnh trạng nguy hiểm hiện nay, như tăng huyết áp, tim mạch, mỡ máu, đái tháo đường,...
Để giữ gìn sức khoẻ, chúng ta nên xây dựng một lối sống lành mạnh, hạn chế các đồ dầu mỡ, tránh ăn đêm, đi ngủ sớm,... (Ảnh: Internet) |
Nhìn chung, muốn khoẻ mạnh và sống lâu không khó, nếu bạn cũng muốn có được những lợi ích tuyệt vời như thế, đừng quên áp dụng 5 bí quyết giúp kéo dài tuổi thọ này mỗi ngày vào lối sống của mình ngay từ hôm nay nhé.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin