Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng cơ thể, bộ não vẫn được xem là cơ quan quan trọng nhất, đồng thời là trung tâm chỉ huy - chịu trách nhiệm kiểm soát, điều khiển gần như mọi hoạt động, chức năng của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có khả năng học hỏi, tư duy và ghi nhớ,… Và để cơ quan này được hoạt động tốt từ lúc hoàn thiện và xuyên suốt cuộc đời, não bộ sẽ có một giai đoạn để kết nối toàn bộ các tế bào não với nhau. “Giai đoạn này sẽ rơi vào những năm đầu đời của trẻ nhỏ” - các chuyên gia nhi khoa khẳng định,
Những năm đầu đời là cơ hội tốt nhất để não bộ của bé phát triển toàn diện, nếu bỏ lỡ giai đoạn này, những kết nối của hệ thần kinh sẽ rất khó được hình thành trong những giai đoạn tiếp theo khi bé đã lớn (Ảnh: Internet)
3 giai đoạn “vàng” trong việc hình thành và phát triển trí não của trẻ
Các chuyên gia nhi khoa cho biết, ngay từ những tuần thai đầu tiên, bộ não của trẻ đã bắt đầu hình thành, phát triển xuyên suốt trong thai kỳ. Đến sau khi sinh, não bộ tiếp tục tăng trưởng và hoàn thiện khi trẻ khoảng 6 tuổi.
Trong khoảng thời gian này, các chuyên gia chia ra thành 3 giai đoạn cần được mẹ ghi nhớ nhằm kích hoạt não bộ của trẻ được phát triển toàn diện, bao gồm:
- Giai đoạn thai kỳ: ngay từ khi thụ thai thì hệ thần kinh của trẻ cũng đã bắt đầu hình thành, và sẽ phát triển cực kỳ nhanh từ tuần thai thứ 8. Khi chào đời, bộ não của trẻ thường nặng khoảng 300g, đạt được 25% so với trọng lượng não bộ của người trưởng thành.
- Giai đoạn 0 - 2 tuổi: khi này, bộ não của trẻ đã có sự tăng trưởng tương đối. Cụ thể, khi một tuổi, trọng lượng não của trẻ đạt khoảng 75% so với người trưởng thành, và đạt 80% khi 2 tuổi.
- Giai đoạn 2 - 6 tuổi: ở giai đoạn sau, bộ não trẻ của trẻ đã hoàn thiện với trọng lượng đạt 100% so với não người trưởng thành. Lúc này, này trẻ sẽ bắt đầu tìm tỏi, học hỏi và ghi nhớ rất nhanh mọi sự vật, sự việc xung quanh.
Để não bộ có thể phát triển tốt nhất trong 3 giai đoạn quan trọng như trên, dinh dưỡng là một yếu tố cần được chú ý hàng đầu. Các chuyên gia nhi khoa nhấn mạnh, yếu tố dinh dưỡng sẽ cùng với yếu tố giao tiếp xã hội (sự tương tác, giáo dục của bố mẹ, nhà trường và môi trường xung quanh) quyết định đến khoảng 50 - 70% trí thông minh của trẻ.
Giống như các bộ phận khác trên cơ thể, bộ não cũng cần có những "thức ăn" riêng, giúp não phát triển và hoạt động hiệu quả hơn (Ảnh: Internet)
Cần bổ sung những thực phẩm nào cho trẻ trong giai đoạn phát triển trí não?
So với 2 giai đoạn còn lại, giai đoạn thai kỳ cần được chăm chút và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Do nhu cầu và tình trạng hấp thu chất dinh dưỡng của mỗi mẹ và bé đều khác nhau. Để mang lại kết quả tốt nhất cho cả hai mẹ con, mẹ khi mang thai cần chủ động thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu như đo thành phần cơ thể, xét nghiệm vi chất, điện giải đồ, đánh giá thói quen, tình trạng dinh dưỡng,… Sau đó, các chuyên gia sẽ tư vấn xây dựng thực đơn phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể của mẹ và bé.
Đối với mẹ bầu, cần tuân theo một chế độ dinh dưỡng tốt khi mang thai vì nó tác động trực tiếp đến sự phát triển não bộ của con ở những năm sau đó. Hãy nhờ các chuyên gia dinh dưỡng hỗ trợ xây dựng thực đơn phù hợp cho cả mẹ và thai nhi (Ảnh: Internet)
Sau khi sinh ra, tại giai đoạn 0 - 6 tháng, trẻ sẽ nhận nguồn dinh dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi này, nếu trẻ bú sữa mẹ, mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng để không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa của trẻ. Còn trẻ bú sữa công thức, mẹ nên chọn các loại sữa có hàm lượng chất phù hợp với thể trạng, sức khỏe của trẻ.
Tại giai đoạn từ 6 tháng trở lên, khi trẻ đã ăn dặm và được tiếp xúc với đa dạng thức ăn, các bậc cha mẹ nên chủ động bổ sung cho con những loại thực phẩm sau đây, hỗ trợ cho sự phát triển sức khỏe tổng thể và trí não của trẻ:
Sữa: sữa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, không chỉ lã não bộ mà còn là xương và các khớp cơ. Nếu có thể liên tục dùng sữa mẹ sẽ càng tốt, vì đây là nguồn sữa giàu axit béo DHA cùng các vitamin A, D, E tự nhiên - vốn là những thành phần quan trọng trong việc xây dựng não bộ. Mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cố gắng duy trì đến khi trẻ được 2 tuổi.
Cá: bao gồm cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích... là những loại cá cung cấp omega-3, một loại axit béo không no mà cơ thể không thể tổng hợp và tạo ra, dưỡng chất quan trọng giúp não bộ trẻ phát triển.
Trứng: cung cấp protein, omega-3, vitamin B, i-ốt - những dưỡng chất quan trọng để xây dựng màng tế bào não, tăng cường trí nhớ cho trẻ. Tùy theo độ tuổi của trẻ, mẹ có thể cho trẻ ăn lượng trứng khác nhau.
Các loại thịt: chứa nhiều protein và chất béo cần thiết cho não bộ. Đặc biệt, trong thịt bò có chứa vitamin B12, sắt, kẽm giúp tăng cường thể chất và kích thích trí não, ổn định hệ thần kinh giúp trẻ tập trung, tăng cường trí nhớ.
Rau lá xanh: chứa nhiều vitamin, khoáng chất, folate... tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ. Folate là một vitamin nhóm B có trong cải xoăn, rau bina, rau diếp, măng tây, bông cải xanh... Vitamin và khoáng chất có vai trò chuyển hóa, chống oxy hóa của tế bào não, giúp trí não minh mẫn hơn.
Các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, lạc - đậu phộng, hướng dương...): chứa hàm lượng acid béo omega 3 và omega 6, vitamin B6, vitamin E... dồi dào. Đây là những dưỡng chất tốt cho trí não, ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ.
Khoa học đã chứng minh sự phát triển trí não của trẻ nhỏ phần lớn được quyết định trong 3 giai đoạn quan trọng trên. Vì thế, để tạo nền tảng cho quá trình phát triển sức khoẻ và tư duy của trẻ trong tương lai, cha mẹ không nên bỏ lỡ và cần tập trung bổ sung các dưỡng chất thiết yếu thông qua các thực phẩm hỗ trợ trí não đã được liệt kê phía trên cho trẻ.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin