Trang chủ Tra cứu Chuyên đề

Đừng để bản thân mắc bệnh huyết áp cao chỉ vì 5 thói xấu sau đây

10:30 AM | 13/08/2024
Gia đình khỏe

Huyết áp cao có thể gây tử vong bất ngờ nếu không được kiểm soát đúng cách, đủ để thấy đây là một căn bệnh rất nguy hiểm. Nhưng dường như người dân nước ta vẫn còn khá xem nhẹ căn bệnh này, bằng chứng là tỷ lệ ca mắc liên tục tăng nhanh. Nguyên nhân được cho là do 5 thói xấu sau đây gây ra.

Theo các chuyên gia sức khỏe, huyết áp được hiểu là “áp lực máu cần thiết” tác động lên thành động mạch, nhằm đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Áp lực máu được tạo nên bởi lực co bóp của quả tim và sức cản của động mạch.

Huyết áp là một trong những dấu hiệu chính giúp nhận biết tình trạng cơ thể và sức khỏe. Thông qua chỉ số huyết áp tăng hay giảm, các y bác sĩ sẽ xác định được sức khỏe của ta đang ổn định hay có nguy cơ mắc bệnh tật - từ đó tiến hành kiểm tra chuyên sâu và điều trị kịp thời.

Thông thường, huyết áp được đo dựa theo công thức: số đo của huyết áp tâm thu*/ số đo của huyết áp tâm trương**. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ dao động giữa mức 90/60 mmHg (milimet thủy ngân) và 120/80 mmHg.

Dung de ban than mac benh huyet ap cao chi vi 5 thoi xau sau day

Đo huyết áp thường xuyên chính là cách tốt nhất để ta nắm bắt được chỉ số huyết áp của bản thân (Ảnh: Internet)

Mọi người sẽ được chẩn đoán cao huyết áp khi chỉ số đo huyết áp cao hơn so với mức tối đa trong khoảng dao động. Các y bác sĩ cho biết, tình trạng cao huyết áp cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể khiến người mắc phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nghiêm trọng gồm: tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, suy thận,... và dẫn đến tử vong khi không được cấp cứu kịp thời.

Nói về nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp, các y bác sĩ đã chia ra làm 2 nhóm, gồm: nhóm yếu tố không thể thay đổi (chủ yếu là do: gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, lão hoá, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận,... ) và nhóm yếu tố có thể thay đổi (thường đến từ lối sống không lành mạnh). Thông thường, huyết áp cao xảy ra thường là do nhóm yếu tố có thể thay đổi được gây ra. Cụ thể là bởi 5 yếu tố sau đây.

1. Thói quen ăn nhiều muối

Việt Nam luôn được xếp vào top đầu các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp, và một trong những lý do phổ biến nhất đó là thói quen ăn mặn của không ít người dân nước ta. Đặc biệt là nhóm người trẻ khi vì họ rất thích các loại thực phẩm công nghiệp, gồm: gà rán, pizza, thực phẩm chế biến sẵn,.. Trong khi đó, điểm chung của các loại thực phẩm này đó là rất nhiều muối.

Vì sao ăn mặn lại gây hại cho huyết áp? Điều này đã được WHO giải thích như sau: khi chúng ta ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối, một lượng lớn natri sẽ được dung nạp vào cơ thể, và làm tăng hàm lượng natri trong máu. Điều này sẽ gây áp lực lên thận, buộc cơ quan này phải làm việc cật lực để lọc máu.

Tuy nhiên, đối với hàm lượng natri quá cao và tích tụ trong máu theo thời gian có thể khiến thận không thể phát huy tối đa hiệu suất làm việc, dẫn tới sự gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Khi này, nước sẽ di chuyển vào trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu trên và làm thể tích máu gia tăng khiến huyết áp tăng cao.

Dung de ban than mac benh huyet ap cao chi vi 5 thoi xau sau day

Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên sử dụng khoảng dưới 5 gam muối/ ngày để tránh các biến chứng nguy hiểm cho huyết áp chúng ta (Ảnh: Internet)

2. Lười vận động

Theo các chuyên gia ở Đại học New York, lười vận động là yếu tố khiến khiến nhịp tim tăng cao hơn, từ đó tạo áp lực lớn lên thành động mạch dẫn đến tình trạng huyết áp tăng cao. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp lên 14%, tăng nguy cơ tử vong sớm lên 40%.

Từ đây cho thấy, vận động thường xuyên được xem là một phương pháp lý tưởng mà nhiều chuyên gia khuyên mọi người thực hiện, giúp duy trì chỉ số huyết áp luôn ở mức an toàn. Các chuyên gia khuyến khích mỗi người nên vận động tối thiểu 150 phút một tuần, hoặc 30 phút mỗi ngày thông qua các hoạt động như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc các bộ môn thể thao tuỳ thích.

3. Hút thuốc lá và lạm dụng rượu, bia

Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp ở những người hút thuốc lá là nicotin - một chất gây nghiện có thể làm sản sinh adrenaline, khiến tim đập nhanh hơn gây huyết áp cao. Nếu còn muốn giữ gìn “hơi thở” của mình, mọi người cần phải ngưng hút thuốc ngay hôm nay.

Ngoài ra rượu bia cũng là lý do khiến huyết áp tăng cao chóng mặt. Do đó, mọi người chỉ nên uống rượu, bia ở mức vừa phải. Nếu chỉ uống một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với đàn ông thì có thể giúp giảm khoảng 4 mmHg huyết áp. Ngược lại, uống vượt quá lượng rượu cho phép có thể khiến huyết áp tăng cao, gây ra nhiều nguy hiểm.

4. Thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì có thể gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, từ đó gây cản trở quá trình vận chuyển máu và oxy đi đến các cơ quan trong cơ thể. Lúc này, để nhận được lượng máu và oxy cần thiết, cơ thể sẽ liên tục “đòi hỏi” dẫn đến tình trạng áp suất máu tăng mạnh lên thành động mạch, từ đó dẫn đến hiện tượng cao huyết áp.

Cách tốt nhất để người trẻ kiểm soát/ hoặc phòng ngừa căn bệnh cao huyết áp chính là duy trì một cân nặng hợp lý, người đang có cân nặng vượt mức tiêu chuẩn nên có kế hoạch giảm cân phù hợp để hạn chế nguy cơ khởi phát các biến chứng nguy hiểm.

Dung de ban than mac benh huyet ap cao chi vi 5 thoi xau sau day

Hãy chú ý đến cả kích thước của vòng eo, vì mỡ bụng cũng có thể có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp hoặc khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn (Ảnh: Internet)

5. Thường xuyên căng thẳng

Đây không chỉ là thói quen của nhiều người Việt mà được xem là tình trạng chung phổ biến của bất kỳ ai trong thời đại “sống nhanh” như bây giờ. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, chịu áp lực quá lâu, luôn căng thẳng, dễ cáu giận được xem tác nhân “tâm thần” gây ảnh hưởng đến huyết áp của mỗi người.

Theo đó, khi căng thẳng, người bệnh có xu hướng ăn thực phẩm không lành mạnh, uống quá nhiều rượu hoặc hút thuốc. Những yếu tố này đều ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.

Biết rằng việc tránh xa những cảm xúc tiêu cực là rất khó do áp lực cuộc sống, tuy nhiên hãy học cách kiểm soát nó bằng cách: đọc sạc, nghe nhạc, thư giãn và nghỉ ngơi, tập thiền, yoga để cân bằng tâm trí và giảm thiểu tối đa nguy cơ gây hại cho sức khỏe, nhất là hệ thống huyết áp.

Trên đây là 5 yếu tố thúc đẩy căn bệnh cao huyết áp xảy ra ở nhóm người trẻ, mọi người cần nắm rõ để có biện pháp thay đổi từ sớm. Ngoài ra, để duy trì tình trạng huyết áp luôn ổn định, bạn cũng nên thực hiện một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ và vận động thường xuyên.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin liên quan

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC