Theo các chuyên gia sức khỏe, nhóm người cao tuổi mà cụ thể là người sau 65 tuổi sẽ là đối tượng dễ bị ung thư nhất. Nguyên nhân là từ sau 65 tuổi, chức năng của các cơ quan trong cơ thể sẽ bị suy yếu tầm 70%, hệ miễn dịch lỏng lẻo và quá trình trao đổi chất bị cản trở dễ sinh ra bệnh tật. Mặt khác, trước khi hình thành khối u, tế bào ung thư sẽ “ngụy trang” cùng các tế bào khỏe mạnh khác để thoát khỏi sự theo dõi và đào thải của hệ thống miễn dịch. Chờ đến khi cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch có lỗ hổng sẽ lập tức bùng phát và nhân lên nhanh chóng. Quá trình này thường mất nhiều thời gian và giai đoạn đầu ít khi có triệu chứng rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, người cao tuổi sẽ dễ mắc các bệnh ung thư gồm: ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư đại - trực tràng, ung thư tụy, ung thư túi mật, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư cổ tử cung (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, các bệnh ung thư lại đang trở nên phổ biến hơn ở nhóm người dưới 50 tuổi, nhất là từ 30 - 45 tuổi. Điều này chứng minh, ung thư đang dần trẻ hóa và người trẻ đến trung niên đang thiếu ý thức bảo vệ sức khỏe của mình - dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch làm việc kém hiệu quả, khiến khối u phát triển nhanh chóng. Các chuyên gia sức khỏe cho biết, ngoại trừ các yếu tố như di truyền, có bệnh nền,... thì 5 lý do về lối sống sau đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhóm người dưới 50 tuổi bị mắc bệnh ung thư.
Nhóm người dưới 50 tuổi dễ mắc bệnh ung thư vì 5 lý do sau đây
1. Ăn uống kém khoa học
Có thể nói, thói quen ăn uống của người Việt Nam chủ yếu là theo sở thích và ít khi chú ý đến khoa học, đa số thực phẩm đều được chế biến theo kiểu nướng, chiên, xào, kho nhiều dầu mỡ hoặc làm gỏi, tái sống,... Đặc biệt là giới trẻ hoặc dân văn phòng vì muốn tiết kiệm thời gian nên đã lựa chọn các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh để giải quyết các bữa.
Trong khi đó, đồ ăn nhanh chứa chất bảo quản hay thức ăn chiên, xào,… nhiều dầu mỡ đều là những loại thực phẩm bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo là gây hại đến sức khỏe, có khả năng tấn công tế bào khỏe mạnh - gây biến đổi gen dẫn đến ung thư.
Bên cạnh đó, người Việt còn có thói quen tiết kiệm nên thường làm nhiều thức ăn rồi cất tủ lạnh để ăn dần, nhưng không nghĩ hành động này sẽ làm thức ăn bị mất chất, dễ thiu mốc,... làm sản sinh nhiều yếu tố gây bệnh như vi khuẩn và chất độc hại. Khi ăn vào, những yếu tố này sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra bệnh tật.
Tình trạng sử dụng các loại hoá chất - thuốc trừ sâu, chất bảo quản và chất kích thích trong thực phẩm cũng là một yếu tố đáng báo động. Đây được xem là yếu tố sâu xa khiến tỷ lệ người Việt mắc bệnh ung thư tăng cao, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cao như gan, dạ dày, đường ruột,... (Ảnh: Internet)
Theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, mọi người nên sử dụng thực phẩm tươi sống (thịt, cá, hải sản, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên cám,... ) giúp cung cấp đủ dưỡng chất, vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Chế biến thanh đạm như luộc, hấp sẽ tốt cho sức khoẻ hơn.
2. Thói quen hút thuốc lá
Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, mỗi một hoặc hai hoá chất cùng nhóm sẽ là tác nhân của một dạng bệnh ung thư, chính thói quen này cũng là yếu tố thúc đẩy con người mắc phải các bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung và ung thư thận.. Khi chúng ta hít khói thuốc, độc tố sẽ ngấm dần vào cơ thể bằng đường máu và luồn lách vào trong từng cơ quan, bám vào bề mặt tế bào gây nên viêm nhiễm mãn tính, sau đó làm hỏng các tế bào và tạo thành các khối u.
Ngay cả khi mọi người không trực tiếp hút thuốc, thì việc hít phải khói thuốc cũng có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tăng lên. Tốt hơn hết, nếu không muốn mắc bệnh ung thư thì mọi người hãy tránh khói thuốc càng xa càng tốt.
3. Thường xuyên lạm dụng rượu bia
Dựa trên báo cáo của tạp chí y khoa Lancet (Anh), Việt Nam có tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ gần 90% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Bên cạnh đó, nước ta cũng được xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/ người. Đây được xem là một thực trạng đáng báo động, đồng thời cũng là lời giải vì sao nước ta có tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính và ung thư cao hơn so với những nước khác trong khu vực.
Theo nhiều nghiên cứu, lạm dụng rượu bia sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình hấp thu dưỡng chất của cơ thể có trong thực phẩm. Ví dụ, folate là dưỡng chất cực kỳ quan trọng đối với quá trình tái tạo hồng cầu cũng như duy trì các chức năng của hệ tiêu hoá. Khi ta uống nhiều rượu bia, cơ thể không thể tổng hợp chất dinh dưỡng này và gây ra các vấn đề tiêu hoá như: tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng,... Khi hệ tiêu hóa chịu tổn thương trong thời gian dài có thể hình thành khối u và dẫn đến ung thư.
4. Thừa cân, béo phì
Sự tích lũy quá nhiều tế bào mỡ trong cơ thể khiến cho các tế bào miễn dịch tăng tiết cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm mạn tính. Quá trình này làm cho tế bào phân chia nhanh chóng hơn. Theo thời gian, điều này có thể gây ra tổn thương DNA và ung thư.
Thừa cân - béo phì được xem là một trong những nguyên nhân gây ung thư hàng đầu, đặc biệt là nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột kết, trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy và ung thư thận (Ảnh: Internet)
Để giải quyết tình trạng thừa cân - béo phì, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư thì mọi người nên chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Không chỉ giúp mọi người duy trì cân nặng và vóc dáng, mà còn đốt cháy các tế bào mỡ gây viêm, thúc đẩy đề kháng và hệ miễn dịch trong cơ thể nhằm chống lại các mầm mống ung thư. Mỗi ngày, mọi người nên dành ra 30 phút hoặc ít nhất 3 lần/ tuần để hoạt động thể chất, nâng cao thể lực.
5. Không thăm khám sức khỏe định kỳ
Đa số ung thư ở giai đoạn đầu đều không có biểu hiện cụ thể. Bệnh chỉ được phát hiện sớm trong quá trình khám sức khỏe và sàng lọc ung thư. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 1- 2 lần/ năm được xem là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong phòng và điều trị bệnh ung thư.
Ngoài ra, tiêm phòng đầy đủ cũng là một trong những yếu tố then chốt, giúp giảm khả năng mắc bệnh ung thư. Chẳng hạn như tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B sẽ làm giảm nguy cơ ung thư gan, tiêm vắc xin HPV sẽ giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Xem thêm: Bật mí loại quả mệnh danh “thần dược” nhờ công dụng giúp da trắng khoẻ, môi hồng
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin