Nói một cách đơn giản, bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể chúng ta gặp vấn đề trong việc quản lý lượng đường trong máu. Nguyên nhân có thể là do: cơ thể không sản xuất đủ - hoặc không sử dụng được insulin (một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu), hay các tế bào của cơ thể bị kháng insulin khiến quá trình chuyển hóa glucose bị gián đoạn, nó sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính, có nghĩa là nó kéo dài liên tục. Nếu không được phát hiện kịp thời hay kiểm soát đúng cách, bệnh tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như: tim mạch, bệnh mắt do tiểu đường, bệnh thận, tổn thương thần kinh, tổn thương thính giác, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh Alzheimer.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, cách duy nhất đó là duy trì một lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ. Với những người được nhận định là nhóm đối tượng nguy cơ, cần chú ý kiểm soát lượng đường trong máu, và cảnh giác với những dấu hiệu lạ xuất hiện trên cơ thể (Ảnh: Internet)
Không chỉ âm thầm gây hại cho các cơ quan khác trong cơ thể, cũng như nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, bệnh tiểu đường loại 2 còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân. Nhưng điều cần quan tâm hơn đó là mối liên hệ giữa cảm xúc và bệnh tiểu đường loại 2 là gì, và chúng tác động lẫn nhau như thế nào?
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 và sức khỏe tinh thần
Chủ đề “Mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và trầm cảm” đã được giới chuyên môn nghiên cứu từ nhiều năm nay. Đây là mối quan hệ 2 chiều ảnh hưởng đến nhau rất nhiều. Khi gặp vấn đề về tinh thần, chẳng hạn như căng thẳng thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Và ngược lại, khi bạn mắc bệnh tiểu đường thì sẽ rất dễ mắc phải một số bệnh về tâm thần, thần kinh.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân làm cho các bệnh nhân tiểu đường loại 2 dễ gặp các vấn đề tinh thần, cảm xúc gồm có:
- Quá trình stress oxy hóa xảy ra khi đường huyết tăng thường xuyên, từ đó làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây xơ vữa mạch máu não, làm thiếu hụt nguồn dinh dưỡng và oxy cung cấp cho các tế bào não, từ đó khiến các chức năng của não bộ cũng trở nên kém hơn - bao gồm cả chức năng bộc lộ cảm xúc.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu là điều bắt buộc, chính việc này đã tạo áp lực cho người bệnh và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm (Ảnh: Internet)
- Các yếu tố nguy cơ tương tự nhau gây trầm cảm ở người mắc bệnh tiểu đường bao gồm: tiền sử gia đình, béo phì, tăng huyết áp, ít hoạt động, bệnh động mạch vành,... Vì bệnh nhân đái tháo đường bao giờ cũng kèm với tình trạng tăng huyết áp, béo phì thừa cân, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh.
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường loại 2
Bệnh nhân tiểu đường khi bị bệnh trầm cảm sẽ có các triệu chứng sau:
1. Cơ thể mệt mỏi: đây được xem là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm, người bệnh thiếu đi sự linh hoạt bình thường, biểu lộ cảm xúc hạn chế, thường suy nghĩ một mình,...
- Mất ngủ thường xuyên: bệnh nhân tiểu đường vốn đã thường xuyên mất ngủ do đi tiểu nhiều, tiểu đêm. Họ là đối tượng rất khó đi vào rất ngủ ngon và sâu, thường là phải trằn trọc mất 2 - 3 tiếng đồng hồ trên giường thì mới ngủ được. Trung bình một đêm họ chỉ ngủ 3 - 4 tiếng đồng hồ, và rất khó để ngủ lại.
- Hay cáu gắt bất thường: tâm lý bất ổn khiến người bệnh tiểu đường rất hay bực bội, cáu giận. Nhiều trường hợp có những hành vi khác thường như bất chợt muốn làm một việc gì đó mà trước đó chưa bao giờ làm. Nói chung họ có những thay đổi tâm lý, hành động rất thất thường.
- Suy giảm trí nhớ: đây là biểu hiện tất yếu của cả bệnh trầm cảm lẫn bệnh tiểu đường nói chung. Họ thường không chú tâm, tập trung vào việc gì đó. Nhiều trường hợp nhớ nhớ, quên quên,...
Các bệnh nhân này có trí nhớ kém thường nói trước quên sau, nhầm lẫn các sự việc, sự kiện với nhau. Họ hay quên đồ đạc, quên những việc cần phải làm (Ảnh: Internet)
Những tổn thất về mặt tinh thần và thể chất của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của một người. Có phản ứng cảm xúc trước một vấn đề về thể chất là điều rất phổ biến và bình thường. Tuy nhiên, nếu vấn đề này dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đến mức chúng bắt đầu ảnh hưởng đến cách bạn hoạt động, thì đừng ngần ngại yêu cần giúp đỡ nhé.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin