Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường xuất phát từ việc chỉ số đo lượng đường trong máu vượt quá mức cho phép (cao hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường). Tình trạng này thường xảy ra khi cơ thể không tiết ra đủ insulin hoặc bị kháng insulin - một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu, thông qua cơ chế chuyển hóa glucose (một loại đường đơn, có nhiều trong các thực phẩm bột đường như cơm, mì, nui, bánh mì,... ) thành năng lượng cho cơ thể. Khi các glucose không được chuyển hóa và tích tụ trong máu sẽ gây ra hiện tượng đường huyết tăng cao. Theo thời gian thì hình thành nên bệnh tiểu đường.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính, có nghĩa là nó kéo dài liên tục và chỉ có thể kiểm soát bằng thuốc ổn định đường huyết. Cho đến hiện tại vẫn chưa tìm ra cách để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh này.
Hiện tại, không có cách chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường. Vì vậy, người bệnh cần phải kiểm soát tình trạng bệnh cẩn thận bằng thuốc điều chỉnh đường huyết, kết hợp với lối sống lành mạnh thường ngày (Ảnh: Internet)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng từ 108 triệu người năm 1980 lên 422 triệu người vào năm 2014 - bệnh tiểu đường loại 2 chiếm đa số cả mắc. Điều đáng quan tâm hơn nữa là bệnh tiểu đường loại 2 trước đây chỉ gặp ở người lớn nhưng hiện nay ngày càng được chẩn đoán phổ biến hơn ở cả người trẻ tuổi, đặc biệt là ở những người có xu hướng lười vận động, thiếu ngủ, mất ngủ.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị từ sớm, bệnh tiểu đường loại 2 có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Điều này cũng đúng đối với những người lơ là trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường của họ đúng cách. Bệnh tim mạch, bệnh mắt do tiểu đường, bệnh thận, tổn thương thần kinh, tổn thương thính giác, tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh Alzheimer là một trong những biến chứng chính mà người bệnh tiểu đường loại 2 phải đối mặt.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu mới đây được thực hiện và nhận ra rằng, những người có chỉ số đường huyết cao hoặc đang mắc bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn người bình thường.
Bệnh tiểu đường, chủ yếu là loại 2, có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn, bao gồm gan , tuyến tụy, nội mạc tử cung, đại tràng và trực tràng, vú và bàng quang.
Nguyên nhân vì sao người bệnh tiểu đường có khả năng mắc ung thư cao hơn được giải thích trong 3 lý do sau đây:
- Tăng insulin máu: nồng độ insulin trong máu tăng cao do kháng insulin ở bệnh tiểu đường có thể kích thích sự phát triển của tế bào khối u, dẫn đến ung thư.
- Tăng đường huyết: lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào, hệ thống miễn dịch và các loại oxy phản ứng. Tất cả đều có thể góp phần phát triển ung thư ở người bệnh tiểu đường. Cụ thể, nồng độ glucose cao làm tăng sự phát triển và di cư của các tế bào ung thư. Tăng đường huyết gây ra căng thẳng oxy hóa và viêm, có thể làm hỏng các thành phần tế bào trong cơ thể và góp phần chuyển đổi tế bào thành ác tính (ung thư).
- Viêm: tình trạng viêm của cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều góp phần phát triển khối u và gây ung thư. Các phản ứng viêm trong cơ thể làm cho các mô tế bài trở nên bất thường, dẫn đến phản ứng viêm ruột tệ hơn và hình thành khối u trong cơ thể.
Ngoài ra, các chuyên gia sức khỏe tin rằng lượng đường huyết tăng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường có thể gây hại cho ADN, khiến bộ gen dễ biến đổi và có thể dẫn tới ung thư (Ảnh: Internet)
Bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng lối sống lành mạnh
Một trong những điều quan trọng nhất để bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 là sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, có một số điều mà các chuyên gia sức khỏe yêu cầu mọi người nên tuân thủ nhằm giúp ngăn ngừa và / hoặc quản lý bệnh tiểu đường loại 2 bao gồm:
1. Duy trì cân nặng hợp lý.
2. Thực hiện 30 phút hoạt động thể chất thường xuyên, cường độ vừa phải hàng ngày hoặc tập thể dục mạnh 3 ngày một tuần.
3. Hạn chế đồ uống có đường và chất béo bão hòa. Bổ sung nhiều trái cây và rau, đồng thời loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn.
4. Tránh sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
5. Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và duy trì chăm sóc bàn chân, thận, mạch máu và mắt để ngăn ngừa các biến chứng.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, cách duy nhất đó là duy trì một lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ. Với những người được nhận định là nhóm đối tượng nguy cơ, cần chú ý kiểm soát lượng đường trong máu, và cảnh giác với những dấu hiệu lạ xuất hiện trên cơ thể (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa được căn bệnh tiểu đường loại 2 một cách chủ động bằng cách xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh kèm với thói quen ăn uống dinh dưỡng, bên cạnh đó, hay loại bỏ các thói quen xấu có thể dẫn tới bệnh tiểu đường, hãy nhớ tập thể dục và luôn tầm soát bệnh bằng cách khám định kỳ để không bỏ lỡ bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra nhé.
Xem thêm: Cảnh báo 2 nguyên nhân khiến sốt xuất huyết trở nặng và bí quyết phòng ngừa bệnh hiệu quả
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin