Không phải ai cũng biết rằng viêm là một phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch để chống lại các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, khi tình trạng viêm kéo dài mà không được kiểm soát, nó có thể biến thành “sát thủ thầm lặng” phá hoại từ từ các cơ quan trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đăng tải trên Harvard Health Publishing và The Journal of Clinical Investigation cho thấy: chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, axit béo lành mạnh và hợp chất thực vật (phytochemicals) có thể làm giảm đáng kể mức độ viêm mạn tính trong cơ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tăng khả năng tự bảo vệ trước virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.
Dưới đây là 5 loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng và nhà nghiên cứu khuyên nên bổ sung đều đặn để hỗ trợ quá trình chống viêm và nâng cao sức đề kháng một cách tự nhiên, bền vững.
1. Củ nghệ
Củ nghệ từ lâu đã được y học cổ truyền sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến viêm, nhưng chỉ đến khi khoa học hiện đại chứng minh tác dụng của curcumin – hoạt chất chính trong nghệ - thì giá trị của loại gia vị này mới thực sự được toàn thế giới công nhận. Theo một nghiên cứu trên National Center for Biotechnology Information, curcumin có khả năng ức chế các phân tử gây viêm như NF-kB và cytokine – nguyên nhân chính gây nên viêm mãn tính. Ngoài ra, curcumin còn giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch T và B.
Tuy nhiên, để hấp thụ tốt curcumin, chuyên gia khuyến cáo nên kết hợp nghệ với hạt tiêu đen - chứa piperine - giúp tăng khả năng hấp thu lên đến 2000% (Ảnh: Internet)
2. Quả việt quất
Ít ai ngờ rằng một loại quả mọng nhỏ như việt quất lại sở hữu khả năng chống viêm mạnh mẽ nhờ hàm lượng anthocyanin cao - một loại chất chống oxy hóa có khả năng trung hòa các gốc tự do và ức chế các enzyme gây viêm. Một nghiên cứu được công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy, những người ăn việt quất thường xuyên có nồng độ các chỉ số viêm như CRP (C-reactive protein) trong máu thấp hơn rõ rệt. Ngoài ra, việt quất còn giúp cải thiện chức năng của tế bào nội mô - thành phần quan trọng trong hệ tim mạch, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và huyết áp cao.
3. Cá mòi
Khi nhắc đến axit béo omega-3, người ta thường nghĩ đến cá hồi. Nhưng ít ai biết rằng cá mòi - một loại cá nhỏ, giá thành rẻ - lại là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào không kém, thậm chí giàu canxi hơn nhờ được ăn nguyên xương. Nghiên cứu từ International Journal of Molecular Sciences cho thấy EPA và DHA trong cá mòi có khả năng chuyển hóa thành các phân tử chống viêm gọi là resolvins và protectins - giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch, bảo vệ mô khỏi tổn thương và đẩy lùi tình trạng viêm mạn tính. Cá mòi cũng chứa selenium - khoáng chất thiết yếu giúp giảm stress oxy hóa và hỗ trợ chức năng tuyến giáp, góp phần quan trọng vào cơ chế phòng bệnh của cơ thể.
4. Tỏi đen
Nếu tỏi tươi được biết đến với khả năng kháng khuẩn, kháng virus thì tỏi quan- phiên bản đã được lên men tự nhquan- lại vượt trội hơn nhiều về khả năng chống viêm nhờ hàm lượng S-allyl cysteine (SAC) cao. SAC là một hợp chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng ức chế hoạt động của các gốc tự do và giảm nồng độ cytokine gây viêm. Một nghiên cứu tại Đại học Dankook (Hàn Quốc) đã chỉ ra rằng việc bổ sung tỏi đen trong chế độ ăn có thể giúp điều hòa nồng độ đường huyết, giảm cholesterol máu và ngăn chặn các phản ứng viêm liên quan đến bệnh tim mạch.
Ngoài ra, quá trình lên men còn giúp tỏi đen dễ tiêu hóa hơn, giảm mùi hăng và tăng khả năng hấp thu dưỡng chất (Ảnh: Internet)
5. Hạt lanh
Hạt lanh tuy nhỏ nhưng chứa một “kho báu” dinh dưỡng đáng kể: omega-3 thực vật (ALA), chất xơ hòa tan và lignan - một loại phytoestrogen có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Theo một công trình nghiên cứu trên Nutrition Reviews, việc tiêu thụ hạt lanh đều đặn giúp làm giảm mức CRP trong máu, đồng thời cải thiện chức năng đường ruột - nơi tập trung tới 70% hệ miễn dịch của cơ thể.
Lignan trong hạt lanh còn được chứng minh có khả năng điều hòa nội tiết tố, ngăn ngừa ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt - hai loại ung thư phổ biến có liên quan mật thiết đến phản ứng viêm mạn tính.
Hạt lanh có thể được thêm vào sinh tố, cháo yến mạch hoặc bánh nướng để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày một cách linh hoạt và dễ chịu (Ảnh: Internet)
Chống viêm không chỉ là lời khuyên dành riêng cho những người đang mắc bệnh, mà là một nguyên tắc sống khỏe cho tất cả chúng ta - đặc biệt trong thời đại mà môi trường và lối sống dễ khiến cơ thể rơi vào tình trạng viêm mạn tính kéo dài. Thay vì đợi đến khi hệ miễn dịch suy yếu, bệnh tật bộc phát rồi mới tìm cách chữa trị, hãy chủ động lựa chọn thực phẩm lành mạnh để xây dựng nền tảng sức khỏe từ bên trong. Những thực phẩm kể trên không chỉ cung cấp dưỡng chất kháng viêm tuyệt vời mà còn mang đến nhiều giá trị cộng hưởng khác cho toàn bộ cơ thể. Hãy để bữa ăn mỗi ngày trở thành một phương thuốc tự nhiên, nhẹ nhàng mà bền bỉ, giúp bạn duy trì sức khỏe lâu dài và tránh xa bệnh tật bằng chính những gì tinh túy nhất từ tự nhiên.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin