Theo y văn, vitamin là những chất hữu cơ giúp duy trì sức khỏe và điều hành chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Có 13 loại vitamin khác nhau, bao gồm: Vitamin A, C, D, E, K, và vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3 (PP), B5, B6, B12, Biotin (B8) và Folacin (B9).
Các vitamin này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người, từ việc tham gia cấu tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh cho đến các hoạt động như tăng cường thị lực của mắt, tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng,... tất cả đều có sự có mặt của vitamin. Do cơ thể không có cơ chế tự sản sinh và tổng hợp ra các vitamin, nên mọi người thường chủ động bổ sung bằng những thực phẩm hàng ngày.
Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - khi cơ thể vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thì việc dung nạp vitamin lại không đơn giản là cứ bổ sung bằng thực phẩm như người lớn. Cha mẹ cần phải nắm rõ: đâu là những loại vitamin quan trọng nhất với trẻ, nên bổ sung bằng thực phẩm hay thuốc, với hàm lượng bao nhiêu là đủ. Vì nếu cha mẹ bổ sung vô tội vạ, không chỉ không giúp trẻ khỏe hơn mà ngược lại còn gây hại đến trẻ.
Như đã giới thiệu ở trên, nhóm vitamin có 13 loại khác nhau, mỗi loại sẽ nắm giữ một hoặc nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Nhưng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, 5 loại vitamin dưới đây được xem là tối quan trọng, cần các bậc phụ huynh đặc biệt lưu ý để bổ sung mỗi ngày cho trẻ.
5 loại vitamin quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện
1. Vitamin A
Vitamin A là một vi chất cần thiết cho sự phát triển thể chất, tăng cường hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng. Riêng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vitamin A còn có vai trò:
- Phát triển thể chất: Vitamin A tham gia vào quá trình phân chia tế bào, thúc đẩy tiêu hoá và trao đổi chất - giúp trẻ tăng trưởng khỏe đều về cân nặng.
- Tăng cường thị lực: Vitamin A tạo ra những sắc tố trong võng mạc của mắt, nhờ đó sẽ thúc đẩy tầm nhìn của trẻ tốt hơn.
- Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc mắt, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết.
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin A tǎng cường khả nǎng miễn dịch của cơ thể, làm tăng sức đề kháng đối với các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn, virus.
Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển mà trẻ cần được bổ sung từ 300 - 900 mcg vitamin A mỗi ngày. Đối với trẻ dưới 6 tháng đang bú sữa mẹ/ sữa công thức thì không cần phải bổ sung thêm vitamin A bên ngoài, do trong sữa mẹ hoặc sữa công thức đã có đủ hàm lượng mà trẻ cần. Với trẻ đã bắt đầu ăn dặm (từ 6 tháng) trở lên, cha mẹ có thể bổ sung vitamin A trực tiếp cho con qua các loại thực phẩm như: gan, trứng, cá, tôm, sữa, phô mai, cà rốt, bí đỏ, khoai lang,...
Theo khuyến nghị, bắt đầu từ 6 - 36 tháng, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi bổ sung vitamin A liều cao tại các cơ sở y tế mỗi 6 tháng/ lần (Ảnh: Internet)
2. Vitamin C
Vitamin C là một trong những vi chất “then chốt” mà trẻ nhỏ rất cần để phát triển khỏe mạnh. Cụ thể, vitamin C có vai trò:
- Tăng cường sức đề kháng: Vitamin C thúc đẩy hoạt động của các tế bào miễn dịch như đại thực bào, bạch cầu trung tính để tiêu diệt mạnh mẽ hơn các vi sinh vật gây bệnh. Đồng thời kích thích sản sinh tế bào lympho B và T - có chức năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Ổn định mạch máu, ngăn ngừa xuất huyết: Vitamin C giúp hình thành các collagen - một thành phần của mạch máu trong cơ thể. Collagen có vai trò làm bền vững thành mạch, ngăn chặn tình trạng xuất huyết khi vỡ mạch máu do chấn thương, va đập.
- Hỗ trợ xương phát triển chắc khỏe: Vitamin C giúp làm tăng số lượng và khả năng hoạt động của các tế bào tạo xương, từ đó thúc đẩy hệ xương răng của trẻ phát triển.
Nhu cầu vitamin C hàng ngày sẽ dựa theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ. Với trẻ dưới 6 tháng, mỗi ngày sẽ cần 40 mg vitamin C. Hàm lượng này đã có đủ trong mỗi cữ bú của trẻ (kể cả sữa mẹ hay sữa công thức) nên không cần phải bổ sung ngoài.
Từ 6 tháng trở lên, nhu cầu vitamin C của trẻ tăng lên thành 50 mg/ ngày. Lúc này, cha mẹ có thể bổ sung cho con thông qua trái cây và rau xanh như: ổi, kiwi, dâu tây, cam, đu đủ, súp lơ xanh, cải bó xôi, cải xoăn, cà chua,...
3. Vitamin D
Kể từ khi lọt lòng, vitamin D luôn là một trong những vitamin quan trọng nhất, được các bác sĩ dặn dò là phải bổ sung mỗi ngày cho trẻ. Vì nó có tác động rất lớn đến việc hình thành hệ thống xương khớp ở trẻ - nhờ vào chức năng giúp cơ thể hấp thu canxi, phospho tại ruột và thận. Sau đó, vitamin D đưa canxi tới và lắng đọng tại xương - giúp hình thành, phát triển và bền chắc xương. Trẻ được bổ sung đủ vitamin D sẽ mọc răng, tăng trưởng chiều cao tương xứng với lứa tuổi, đồng thời hoạt động thể chất linh hoạt.
Ngược lại, trẻ thiếu hụt vitamin D sẽ phải đối mặt với nguy cơ còi xương (căn bệnh phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Khi lớn lên, trẻ dễ bị gãy xương, hoạt động thể chất chậm chạp và khó khăn hơn bạn bè đồng trang lứa. Trẻ cũng có nhiều nguy cơ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý ung thư trong tương lai.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ dưới 1 tuổi cần được bổ sung 400 IU vitamin D/ ngày, và từ 1 tuổi đến trưởng thành cần bổ sung 600 IU vitamin D/ ngày. Khác với những nhóm vitamin khác, trẻ từ khi sinh ra cần được bổ sung thêm vitamin D dạng đường uống, do hàm lượng trong sữa mẹ và sữa công thức không đủ so với nhu cầu. Hiện vitamin D uống phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay là vitamin D3.
Tắm nắng cũng là biện pháp tổng hợp vitamin D hữu hiệu, nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời lên da. Vì vậy, nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tắm nắng 10 phút mỗi ngày vào lúc sáng sớm, 2 - 3 lần/ tuần để hấp thu tối đa vitamin D tự nhiên (Ảnh: Internet)
4. Vitamin K
Vitamin K là một vi chất thiết yếu, giúp bảo đảm quá trình đông máu trong cơ thể diễn ra bình thường. Ngay từ lúc chào đời là trẻ đã được tiêm một liều vitamin K, nhằm chủ động phòng tránh nguy cơ trẻ mắc phải các bệnh xuất huyết gây nguy hiểm như: xuất huyết não, viêm màng não, xuất huyết đường ruột,...
Ngoài ra, vitamin K còn giúp đẩy nhanh tốc độ lành vết thương, nhờ kích thích hình thành các tế bào sợi, collagen và mạch máu trên da. Bên cạnh đó, vi chất này còn có hoạt tính oxy hóa khử và chống viêm tốt, giúp giảm sưng tấy và ngăn ngừa nhiễm trùng ở trẻ.
Với trẻ dưới 12 tháng cần nạp từ 2 - 2,5 mcg vitamin K/ ngày, riêng từ 12 tháng trở lên thì phải nạp 30 - 75 mcg/ ngày. Bên cạnh mũi tiêm đầu đời, cha mẹ có thể bổ sung vitamin K cho con thông qua dạng uống.
5. Vitamin B6 và B12
Trẻ cần vitamin B để giúp cơ thể chuyển hóa chất béo và tinh bột thành năng lượng. Hơn thế, vitamin B còn giúp thúc đẩy hệ thống thần kinh phát triển khỏe mạnh, tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu và tăng cường miễn dịch. Nhưng quan trọng hơn cả, trẻ cần bổ sung thường xuyên vitamin B6 và B12 để thúc đẩy quá trình tăng trưởng.
- Với vitamin B6: Có chức năng thúc đẩy sự phát triển trí não ở trẻ, đồng thời kích thích giải phóng các chất hóa học trong não như: serotonin - có tác dụng điều chỉnh tâm trạng và norepinephrine - giúp đối phó với căng thẳng. Ngoài ra, vitamin B6 hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu và chỉ số huyết áp, bảo vệ hệ tim mạch, tổng hợp hemoglobin và giúp cho hệ thống thần kinh, hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
- Với vitamin B12: Có chức năng kích thích sản xuất tế bào hồng cầu, nhằm ngăn ngừa chứng thiếu máu megaloblastic - một tình trạng khiến cơ thể mệt mỏi và suy yếu. Ngoài ra, vitamin B12 còn giúp hình thành và tổng hợp gen ADN, ngăn ngừa thoái hoá điểm vàng và bệnh tim mạch nhờ làm giảm nồng độ homocysteine (một loại axit amin trong máu), đồng thời hỗ trợ cho da, móng, tóc chắc khỏe.
Hàm lượng vitamin B6 và B12 cần thiết tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của trẻ. Nhưng theo khuyến nghị, trẻ dưới 12 tháng cần bổ sung 0,5 mcg/ ngày và từ 12 tháng trở lên cần bổ sung từ 0,9 - 2,4 mcg/ ngày. Thông qua vitamin bổ sung bằng dạng uống hoặc những loại thực phẩm như: thịt, cá, trứng, sữa, khoai lang, khoai tây,... (Ảnh: Internet)
Cha mẹ muốn trẻ phát triển toàn diện cần bổ sung đủ dưỡng chất cho trẻ theo khuyến nghị, bao gồm cả 5 loại vitamin cực quan trọng kể trên. Tuy nhiên, không được tự ý bổ sung vì nó có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ. Tốt hơn hết, cha mẹ nên hỏi xin ý kiến từ bác sĩ trước khi bổ sung cho trẻ bất cứ chất gì.
Xem thêm: Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin