Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới đang ghi nhận hơn 2,1 tỷ người bị béo phì, chiếm trên 30% dân số và có dấu hiệu tăng nhanh hơn vào những năm tới. Nếu chỉ tính riêng tại Việt Nam thì tỷ lệ người mắc bệnh béo phì đã chiếm hơn 6,6% dân số (tương đương gần 6 triệu người). Nhiều chuyên gia sức khỏe đưa ra dự đoán, dựa trên mức độ gia tăng như hiện tại, vào năm 2030 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới bị thừa cân và béo phì. Điều đáng lo ngại là tình trạng này đang ngày càng trẻ hóa, tạo gánh nặng lớn cho ngành y toàn cầu.
Vì sao lại nói tình trạng béo phì là gánh nặng cho ngành y toàn cầu? Theo giải thích của các chuyên gia, tình trạng béo phì luôn là một trong những yếu tố làm tăng nặng các bệnh mãn tính - chuyển hóa như: cao huyết áp, tiểu đường loại 2, tim mạch (xơ vữa động mạch, suy mạch vành,... ), xương khớp (thoái hoá xương khớp, viêm khớp,... ), hay ung thư (ung thư gan, ung thư dạ dày,... ). Và đồng thời, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới các loại bệnh nguy hiểm kể trên. Việc toàn cầu đang có hơn 30% dân số bị béo phì - tức là đang có hơn 30% người “cầm án treo” các loại bệnh nguy hiểm. Các y bác sĩ khẳng định rằng họ sẽ không thể nào kiểm soát được tại thời điểm nào thì người béo phì sẽ phát bệnh, và tại thời điểm nào thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm để kịp thời cứu chữa. Đó chính là gánh nặng mà ngành y toàn cầu đang phải đối mặt đối với tình trạng sức khỏe này.
Tình trạng béo phì - thừa cân vẫn luôn là “bài toán khó” để giải quyết đối với các chuyên gia sức khỏe (Ảnh: Internet)
Nói đến nguyên nhân gây nên, ngoài các yếu tố phổ biến như ăn uống không lành mạnh và lười vận động, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại cũng có thể là yếu tố góp phần quan trọng dẫn đến béo phì:
1. Bisphenol A (BPA)
BPA là một loại hóa chất công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhựa polycarbonate và nhựa epoxy. BPA thường có mặt trong các sản phẩm như chai nhựa, đồ hộp, đồ chơi trẻ em, và các loại bao bì thực phẩm. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, BPA có thể thôi nhiễm vào thực phẩm và đồ uống, từ đó xâm nhập vào cơ thể.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có khả năng gây rối loạn hormone, làm tăng khả năng lưu trữ mỡ và giảm tốc độ đốt cháy calo của cơ thể, dẫn đến béo phì (Ảnh: Internet)
Để hạn chế tiếp xúc với BPA, người tiêu dùng nên tránh sử dụng các sản phẩm nhựa có mã số tái chế 3 và 7, và ưu tiên sử dụng các sản phẩm không chứa BPA.
2. Phthalates
Phthalates là một nhóm hóa chất được sử dụng làm chất làm mềm trong các sản phẩm nhựa dẻo như màng bọc thực phẩm, đồ chơi, và cả mỹ phẩm. Phthalates có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua da, qua hơi thở, và qua thức ăn.
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng, Phthalates có thể can thiệp vào hoạt động của hormone, làm tăng mỡ trong cơ thể và giảm khả năng tiêu thụ năng lượng, dẫn đến tình trạng béo phì.
Để hạn chế nguy cơ, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ gia dụng không chứa Phthalates, cũng như hạn chế việc sử dụng màng bọc thực phẩm bằng nhựa.
3. Polychlorinated Biphenyls (PCBs)
PCBs là một loại hóa chất tổng hợp được sử dụng trong các thiết bị điện, dầu cách điện, và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Dù PCBs đã bị cấm sử dụng từ lâu, nhưng chúng vẫn tồn tại trong môi trường và có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm thông qua cá, thịt, và sữa. PCBs được nghiên cứu là có khả năng tích tụ trong cơ thể và gây rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh lý liên quan.
Để giảm thiểu tiếp xúc với PCBs, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và tránh ăn quá nhiều cá biển lớn như cá mập, cá kiếm.
4. Perfluorooctanoic Acid (PFOA)
PFOA là một loại hóa chất thuộc nhóm perfluoroalkyl, thường được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm chống dính như chảo, quần áo chống thấm, và thảm trải sàn. PFOA không dễ phân hủy và có thể tồn tại trong môi trường suốt nhiều năm.
Khi tiếp xúc với cơ thể, PFOA có thể làm giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ béo phì.
Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên tránh sử dụng các sản phẩm chống dính cũ hoặc bị trầy xước, và thay thế bằng các sản phẩm an toàn hơn như chảo gang, thép không gỉ (Ảnh: Internet)
5. Atrazine
Atrazine là một loại thuốc trừ sâu phổ biến được sử dụng trong nông nghiệp để kiểm soát cỏ dại. Atrazine có thể xâm nhập vào nguồn nước và thực phẩm, từ đó xâm nhập vào cơ thể con người. Nghiên cứu đã chứng minh rằng Atrazine có khả năng làm rối loạn hormone và tăng nguy cơ béo phì. Để hạn chế tiếp xúc với Atrazine, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm nông sản hữu cơ và tránh sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn.
Tình trạng béo phì không chỉ do thói quen ăn uống hay lười vận động mà còn có thể bị tác động bởi các hóa chất tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày. Và 5 loại hóa chất kể trên là những ví dụ điển hình về các hóa chất có khả năng gây béo phì mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Bằng cách hiểu rõ hơn về nguồn gốc và tác động của chúng, mỗi người có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa thích hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Xem thêm: Chỉ cần áp dụng 4 cách "lười biếng" sau, chị em sẽ ngày càng trẻ đẹp - khoẻ mạnh
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin