Theo y văn, các nhóm vitamin đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người. Từ việc tham gia cấu tạo tế bào, điều hòa hoạt động của tim và hệ thần kinh cho đến các hoạt động như tăng cường thị lực của mắt, tham gia chuyển hóa thức ăn thành năng lượng,... tất cả đều có sự có mặt của vitamin. Do cơ thể không có cơ chế tự sản sinh và tổng hợp ra các vitamin, nên mọi người thường chủ động bổ sung bằng những thực phẩm hàng ngày.
Trong đó, vitamin D được đánh là một trong những loại vitamin quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển về thể chất cũng như sức khỏe. Kiến thức tổng quan về vitamin D cho biết, nó là một pro-hormone có thể tan trong chất béo, có tác động rất lớn đến việc hình thành hệ thống xương khớp vào chức năng giúp cơ thể hấp thu canxi, photpho tại ruột và thận. Sau đó, vitamin D đưa canxi tới và lắng đọng tại xương - giúp hình thành, phát triển và bền chắc xương.
Người được bổ sung đủ vitamin D từ khi lọt lòng sẽ mọc răng, tăng trưởng chiều cao tốt, và có thể chất linh hoạt hơn khi lớn lên cho đến lúc cuối đời (Ảnh: Internet)
Ngược lại, người bị thiếu hụt vitamin D sẽ phải đối mặt với nguy cơ còi xương. Khi lớn lên dễ bị gãy xương, hoạt động thể chất chậm chạp và khó khăn hơn so với người khác. Đồng thời cũng có nhiều nguy cơ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý ung thư trong tương lai.
Với nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể và sức khỏe như vậy, việc thiếu hụt vitamin D có thể khiến chúng ta đối mặt với rất nhiều vấn đề. Đơn cử là với 5 tình trạng sau đây:
1. Rụng tóc
Có nhiều nghiên cứu được tiến hành và nhận thấy rằng, tình trạng rụng tóc xảy ra nhiều hơn ở những người bổ sung vitamin D ít hơn cho cơ thể. Điều này có thể lý giải rằng vitamin D được các tế bào sừng chuyển hóa trong da, mà loại tế bào này có nhiệm vụ xử lý keratin - loại protein có trong tóc, móng tay và da. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin D, các tế bào sừng trong nang tóc sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sự phát triển cũng như sự rụng của tóc.
Rụng tóc được xem là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của việc thiếu hụt vitamin D (Ảnh: Internet)
2. Thường xuyên mệt mỏi, dễ ốm
Một trong những vai trò quan trọng nhất của vitamin D là tăng cường hệ thống miễn dịch - giúp cơ thể chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh. Điều này đồng nghĩa, sự thiếu hụt vitamin D có thể khiến hệ miễn dịch trở nên yếu hơn, từ đó không thể tấn công các tác nhân gây bệnh. Vì thế, nếu mọi người thường xuyên mệt mỏi hoặc dễ bị ốm, đặc biệt là cảm lạnh hoặc cúm thì thiếu hụt vitamin D có thể là một yếu tố góp phần gây ra.
3. Đau xương, lưng và cơ
Chúng ta đều biết rằng, vitamin D giúp duy trì sức khỏe của xương và cải thiện sự hấp thu canxi trong cơ thể. Một nghiên cứu ở người trưởng thành cho thấy khi nồng độ vitamin D trong cơ thể thấp, tình trạng đau lưng, cơ và xương khớp sẽ xảy ra. Đặc biệt, các cơn đau có xu hướng trở nên trầm trọng hơn nếu hàm lượng vitamin D bị thiếu hụt quá cao.
Điều này được cho là khi thiếu hụt vitamin D sẽ khiến các tế bào thần kinh xảy ra hiện tượng nociceptors - hay còn được gọi là triệu chứng gia tăng thụ cảm đau. Từ đó gây nên những cơn đau mãn tính với mức độ ngày càng tăng theo thời gian.
4. Khởi phát các vấn đề huyết áp, tim mạch
Một tác động khác của vitamin D mà có thể mọi người chưa biết đó là có tác động đến tim mạch, chẳng hạn như giúp giảm viêm, tăng cường cơ tim và khả năng bơm máu, điều hòa nhịp tim, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa sự hình thành mảng xơ vữa động mạch,...
Hiện các nhà khoa học vẫn còn trong quá trình nghiên cứu chuyên sâu hơn về những tác động này, nhưng dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu được thu thấp, các nhà khoa học khẳng định: người có bệnh tim mạch hoặc sức khỏe tim mạch kém đều có điểm chung là bị thiếu hụt vitamin D.
Nguyên nhân được lý giải như sau: vitamin D có những hoạt động nhất định trong thành mạch máu, giúp máu vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng được trơn tru, hiệu quả hơn. Khi nồng độ vitamin D trong cơ thể ở mức thấp, mạch máu sẽ bị cứng lại và gây viêm, làm cản trở đường đi của máu. Nguồn máu bị dồn ứ không thể lưu thông theo thời gian sẽ gây nên tăng huyết áp - đây vốn được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim, do tim phải phải hoạt động liên tục và mạnh mẽ hơn để kìm hãm lại sức cản trong lòng mạch. Theo thời gian, tình trạng rối loạn chức năng tim diễn ra, làm tim suy yếu.
Nghiên cứu mới chỉ ra được sự thiếu hụt vitamin D và nguy cơ khởi phát các bệnh tim mạch hoặc huyết áp (Ảnh: Internet)
5. Ra nhiều mồ hôi
Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin D, hàm lượng serotonin - chất dẫn truyền thần kinh sẽ bị suy giảm. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi, nhất là ở vùng da đầu và đặc biệt, mồ hôi thưởng có xu hướng chảy ra nhiều hơn vào giấc ngủ đêm của bạn.
Cần làm gì để hạn chế nguy cơ thiếu hụt vitamin D?
Việc chủ động bổ sung vitamin D là điều rất quan trọng, nhưng không phải cũng biết cách bổ sung chính xác. Theo hướng dẫn của các chuyên gia sức khỏe, mọi người có thể nạp vitamin D theo 3 cách sau:
1. Tắm nắng
Tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian ngắn từ 10 - 15 phút sẽ giúp bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết cho mỗi người. Cần lưu ý rằng khi tắm nắng, không cần thoa kem chống nắng bởi kem chống nắng ức chế sản xuất vitamin D.
Tắm nắng cũng là biện pháp tổng hợp vitamin D hữu hiệu, nhờ tác dụng của ánh nắng mặt trời lên da. Vì vậy, mọi người - đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tắm nắng 10 phút mỗi ngày vào lúc sáng sớm, 2 - 3 lần/ tuần để hấp thu tối đa vitamin D tự nhiên (Ảnh: Internet)
2. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin D
Mọi người có thể tìm thấy vitamin D ở: sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại hải sản như tôm, cua, sò, cá, các loại rau như rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây, trái cây như cam, táo, ngũ cốc hoặc lòng đỏ trứng gà.
3. Nạp vitamin D bổ sung
Lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và sức khỏe tổng thể. Theo đó, hàm lượng vitamin D hàng ngày cho người lớn là 600 đơn vị quốc tế (IU). Thực tế thì mọi người đã nhận đủ nguồn vitamin D cần thiết thông qua dinh dưỡng và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, một số người có thể cần nhiều vitamin D hơn, chẳng hạn như phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi hoặc người đang/ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhóm đối tượng này có thể bổ sung thêm vitamin D thông qua dạng thuốc uống, nhưng cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Xem thêm: Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin