Theo các chuyên gia sức khỏe, để tạo nên dáng đi như hiện tại của mọi người thì nó đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các khớp, cơ và khung xương - cũng như là các dây thần kinh ở bên trong cơ thể. Nên khi có vấn đề nào xảy ra khi bạn đang đi khiến dáng đi trở nên bất thường thì cần phải thăm khám bác sĩ ngay lập tức để tìm kiếm nguyên nhân chính xác, từ đó có phương án điều trị kịp lúc và thích hợp.
Cảnh giác nguy cơ bệnh tật “ẩn núp”, nếu bạn đang mắc phải 5 dáng đi sau đây
1. Dáng đi xiêu vẹo như say rượu
Kể cả khi bạn đang hoàn toàn tỉnh táo, nhưng bước đi lại thường xiêu vẹo và cảm giác không vững vàng, luôn phải dang rộng chân để cân bằng cơ thể (theo y học cổ truyền còn có tên là dáng đi thất điều) thì khả năng cao đã có bất thường ở tiểu não giữa, tổn thương bán cầu tiểu não, loạn chức năng cấu trúc tiểu não giữa. Vì những vùng này đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa trương lực cơ, khả năng phối hợp của các chuyển động và từ đó giúp cơ thể giữ thăng bằng, nên khi có bất kỳ tổn thương nào xảy ra tại khu vực này sẽ làm suy yếu khả năng điều phối thân người, mất thăng bằng và tăng sự lắc lư, đặc biệt là khi di chuyển, từ đó khiến cho dáng đi của bạn trở nên xiêu vẹo.
Dáng đi của bạn xiêu vẹo, không vững vàng như người say rượu dù bạn hoàn toàn tỉnh táo - dấu hiệu cảnh báo có những tổn thương bất thường ở vùng não giữa. Lúc này, bạn nên thăm khám ngay để có sự điều trị thích hợp và kịp thời, tránh lây lan sang các vùng lân cận của não bộ (Ảnh: Internet)
2. Dáng đi nghiêng về một bên, tốc độ chậm
Hãy cảnh giác nếu phát hiện dáng đi của bạn bỗng nghiêng về một bên, cùng với đó là tốc độ chậm đi dần, vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh cổ trướng. Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh cổ trướng được xem là biến chứng sức khỏe ở những đối tượng đang gặp các thương tổn về gan - như xơ gan, viêm gan, và ung thư gan. Khi cổ trướng khởi phát, người mắc có thể cảm thấy vùng bụng to lên, có cảm giác đau tức do chất lỏng bắt đầu tích tụ trong khoang bụng.
Để hạn chế sự đau đớn và không thoải mái, người mắc sẽ phải thay đổi cách di chuyển và dáng đi. Một số biểu hiện phổ biến là đi chậm hơn hoặc đi nghiêng về một bên. Với mục đích là để giảm áp lực và sự căng thẳng trên vùng bụng. Bằng cách di chuyển chậm hơn, người bệnh có thể giảm đau khá hiệu quả. Nghiêng về một bên có thể giúp giảm áp lực trực tiếp lên các mạch máu và dây thần kinh trong vùng bụng.
3. Dáng đi có bước đi ngắn
Bình thường khi ta tiến về phía trước, đầu gối sẽ phải duỗi thẳng. Trong trường hợp bạn bước về phía trước với trạng thái đầu gối cong, khả năng cao là bạn đang mắc các vấn đề về xương khớp - cụ thể là thoái hóa xương đầu gối, khiến khả năng cử động của xương đầu gối hoặc khả năng co duỗi của xương hông đã bị hạn chế. . Kết quả là bạn thường bước đi với khoảng cách ngắn hơn bình thường.
Bạn nên đi khám để được kiểm tra các khớp gối và hông. Nếu để lâu không thăm khám sẽ khiến vùng thắt lưng chịu áp lực lớn và dẫn đến tình trạng đau lưng dưới (Ảnh: Internet)
4. Dáng đi lê một bên chân
Đây là tình trạng của hiện tượng rối loạn cử động bàn chân khi đi bộ, điều này sẽ khiến bạn có bước đi khập khiễng, và thường phải kéo lê một bên chân khi đi.
Nếu bạn đang mắc dáng đi này thì cần đặc biệt chú ý với nguy cơ nhồi máu não. Vì biến chứng này thường dẫn đến liệt nửa người. Mặt khác, nó cũng có thể do bệnh lý đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra. Khi rễ thần kinh của đĩa đệm bị chèn ép sẽ gây ra hiện tượng đau nhức, tê bì một bên chân và bàn chân, từ đó khiến chân khó cử động một bên và bàn chân không còn linh hoạt.
5. Dáng đi một bên tay không cử động cùng lúc với chân
Các chuyên gia sức khỏe cho biết đây chính là dáng đi cảnh báo bệnh Parkinson. Cụ thể khi di chuyển, nếu một bên cánh tay đung đưa bình thường trong khi bên còn lại hầu như không cử động cùng lúc với chân khi đi bộ. Ngoài ra, sự thay đổi tư thế trong hội chứng parkinson như cong người, vai gập... làm cho trọng tâm của người bệnh nghiêng về phía trước, dẫn đến cân bằng kém trong quá trình vận động. Do đó, người bệnh có xu hướng đi bước nhỏ và nhanh để điều chỉnh lại sự thăng bằng.
Can thiệp sớm người bệnh Parkinson có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi bạn cảm thấy khó khăn khi đi bộ, dáng đi như lao về phía trước
Xem thêm: Khuyến khích con ăn 6 loại siêu thực phẩm này để tốt cho sức khỏe
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin