Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), trong môi trường sống hiện đại, trung bình mỗi người có thể tiếp xúc với hơn 500 loại hóa chất khác nhau mỗi ngày thông qua không khí, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, mỹ phẩm và cả quần áo. Điều đáng nói là rất nhiều trong số đó không phải là hóa chất công nghiệp độc hại, mà lại ẩn mình trong những vật dụng thường ngày tưởng như vô hại. hông ít trong số các chất này thuộc nhóm “chất gây rối loạn nội tiết”, tức có khả năng can thiệp vào hệ nội tiết của cơ thể, bắt chước hoặc ức chế hoạt động của hormone tự nhiên, từ đó gây ra các vấn đề về sinh sản, dậy thì sớm, tăng nguy cơ ung thư và rối loạn chuyển hóa.
Dưới đây là 5 chất độc ẩn mình trong những vật dụng tưởng như vô hại - nhưng nếu sử dụng lâu dài mà không để ý, chúng có thể gây hại đáng kể đến sức khỏe.
1. Phthalates
Phthalates là một nhóm hóa chất được sử dụng để làm mềm nhựa PVC và tăng độ linh hoạt cho các sản phẩm từ nhựa. Chúng có mặt ở khắp nơi: từ rèm phòng tắm, sàn vinyl, bọc dây điện, găng tay cao su cho đến mỹ phẩm, nước hoa và dầu gội đầu. Điều đáng lo ngại là phthalates có thể thấm qua da, hít vào phổi hoặc theo đường tiêu hóa đi vào cơ thể, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc lâu dài với phthalates có thể liên quan đến sự suy giảm nồng độ testosterone ở nam giới, giảm số lượng tinh trùng và tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em. Đặc biệt, nghiên cứu từ Đại học Columbia (Mỹ) còn cho thấy nồng độ phthalates cao trong cơ thể phụ nữ mang thai có liên quan đến chỉ số IQ thấp hơn ở trẻ.
Để giảm thiểu rủi ro, nên ưu tiên các sản phẩm ghi "phthalate-free" và hạn chế sử dụng các loại nhựa mềm trong nhà (Ảnh: Internet)
2. Formaldehyde
Formaldehyde là một chất khí không màu nhưng có mùi nồng, thường được sử dụng trong sản xuất vật liệu gỗ ép, ván dăm, thảm trải sàn và thậm chí là các loại sơn nội thất. Vấn đề là loại chất này dễ dàng phát tán ra không khí trong nhà, gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và tăng nguy cơ ung thư đường hô hấp khi tiếp xúc lâu dài.
Điều bất ngờ hơn là formaldehyde còn được tìm thấy trong nhiều loại nến thơm giá rẻ - khi đốt cháy, chúng giải phóng khói chứa formaldehyde và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) khác, làm ô nhiễm không khí trong nhà.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp formaldehyde vào danh sách các chất gây ung thư cho con người (Ảnh: Internet)
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên lựa chọn nội thất có chứng nhận an toàn, ưu tiên thông gió tốt trong nhà, và sử dụng các sản phẩm mùi thơm tự nhiên như tinh dầu nguyên chất thay vì nến công nghiệp.
3. BPA (Bisphenol A)
BPA là một hóa chất được dùng để sản xuất nhựa polycarbonate và một số loại nhựa cứng, thường được tìm thấy trong chai nước nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm, nắp lon thực phẩm đóng hộp và thậm chí là giấy in hóa đơn.
Vấn đề là BPA có cấu trúc hóa học tương tự hormone estrogen, nên có thể can thiệp vào hệ nội tiết của cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim và thậm chí là ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu còn cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt nhạy cảm với BPA, do hệ miễn dịch và nội tiết chưa phát triển đầy đủ.
Ngày nay, nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang dùng loại nhựa “BPA-free” - tuy nhiên, một số nghiên cứu mới lại cho thấy các chất thay thế BPA như BPS, BPF có thể cũng gây rối loạn nội tiết tương tự. Cách an toàn nhất là sử dụng chai thủy tinh hoặc inox thay vì nhựa, và không hâm nóng thực phẩm trong hộp nhựa, dù là loại "an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng"
4. PTFE
Chảo chống dính là vật dụng quen thuộc trong mọi căn bếp hiện đại, nhưng ít ai biết rằng lớp phủ chống dính trên đó - thường là polytetrafluoroethylene (PTFE), một chất thuộc nhóm perfluorinated compounds (PFCs) - có thể gây hại nếu bị bong tróc hoặc nấu ở nhiệt độ cao.
Khi lớp chống dính bị trầy xước hoặc đun nấu ở nhiệt độ trên 260 độ C, PTFE bắt đầu phân hủy và giải phóng các khí độc như tetrafluoroethylene và acid perfluorooctanoic (PFOA), có thể gây tổn thương phổi, ảnh hưởng đến gan và thần kinh. PFOA từng được xếp vào danh sách “hóa chất vĩnh cửu” do khả năng tồn lưu lâu dài trong cơ thể và môi trường, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe lâu dài, từ ung thư đến rối loạn miễn dịch.
Giải pháp là nên thay thế chảo chống dính khi thấy có dấu hiệu bong tróc, chuyển sang sử dụng các loại chảo gang, chảo gốm hoặc inox chất lượng cao (Ảnh: Internet)
5. Chất chống cháy brominated (PBDEs)
PBDEs là nhóm chất chống cháy thường được thêm vào các vật liệu dễ bắt lửa như bọt polyurethane trong ghế sofa, nệm, thảm, rèm cửa, thậm chí là trong vỏ nhựa của các thiết bị điện tử như TV, máy tính và ổ điện.
Vấn đề là các hóa chất này không liên kết chặt với vật liệu mà dễ bay hơi hoặc bám vào bụi trong nhà. Khi hít phải hoặc ăn phải bụi có chứa PBDEs, chất này tích tụ trong mô mỡ và có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây rối loạn học tập và chậm phát triển ở trẻ nhỏ, cũng như tăng nguy cơ vô sinh ở người lớn. Một số nghiên cứu tại Thụy Điển còn cho thấy nồng độ PBDEs trong sữa mẹ đang tăng lên nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua.
Để giảm tiếp xúc với PBDEs, bạn nên thường xuyên hút bụi và lau nhà bằng khăn ẩm để loại bỏ bụi mịn, tránh mua nội thất giá rẻ không rõ nguồn gốc và nếu có thể, chọn các sản phẩm được chứng nhận không chứa chất chống cháy độc hại.
Chẳng ai ngờ, những vật dụng tưởng chừng vô hại, dùng hàng ngày kể trên lại chính là nơi trú ngụ của nhiều loại hóa chất độc hại tiềm ẩn. Vì thế, việc nhận diện và loại bỏ những chất độc này không chỉ giúp giảm gánh nặng bệnh tật về lâu dài mà còn là một cách để sống lành mạnh, bền vững và chủ động hơn.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin