Vai trò quan trọng của rau, củ, quả trong sự phát triển của con
Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin chính. Chất xơ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa. Đặc biệt, chất xơ giúp trẻ không bị táo bón và hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Không cung cấp đủ lượng chất xơ, cơ thể sẽ bị thiếu chất, dẫn đến thiếu máu.
Theo chuyên gia Trương Tuyết Mai (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nhiều bà mẹ chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con trong khoảng 3 năm đầu đời. Sau khi trẻ qua 3 tuổi, các mẹ có tâm lý để con ăn theo sở thích. Việc thiếu hụt chất dinh dưỡng khiến sự phát triển thể chất và trí tuệ bị ảnh hưởng. Đáng nói là khi trẻ không được quan tâm đến bữa ăn thì trẻ sẽ ăn theo sở thích, ăn nhiều thực phẩm có hại, lười ăn rau. Vậy nên, phụ huynh cần quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày của con, đặc biệt là chất xơ.
5 tuyệt chiêu giúp con ăn rau nhiều hơn
1. Không ép buộc, tạo tâm lý thoải mái
Không ép trẻ ăn quá nhiều rau xanh khi trẻ không thích. Tùy vào thể trạng mà mỗi trẻ sẽ có nhu cầu về rau xanh khác nhau. Khi trẻ kiên quyết không chịu ăn rau, bạn nên giữ bình tình, hít một hơi thật sâu, không la mắng, quát nạt trẻ. Chính sự “hung dữ” của bạn khiến trẻ bướng bỉnh, và ghét ăn rau hơn bình thường. Tạo tâm lý thoải mái để trẻ thử từng chút rau, chứ không phải nhiều rau ngay lần đầu tiên. Lý do là trẻ cần thời gian để làm quen và thích nghi với một loại thực phẩm lạ.
2. Tạo niềm vui khi ăn uống
Trẻ con luôn thích chơi và thích khám phá những thứ lạ. Cha mẹ có thể cắt các loại rau củ thành từng miếng nhỏ và cho con ăn lần lượt để đoán tên. Thông qua trò chơi này, phụ huynh có thể biết được trẻ thích những loại rau củ nào. Bên cạnh đó, nên cho con ăn các loại rau củ chứa tinh bột trước: khoai lang, cà rốt, ngô, đậu hà lan,... Vị ngọt có trong những loại rau củ này sẽ làm trẻ dễ tiếp nhận hơn là những loại rau không vị, không mùi như: xà lách, rau muống, giá,... Ngoài ra, các mẹ khéo tay cũng có thể trang trí phần ăn của con bắt mắt, nhiều màu sắc, để hấp dẫn con.
3. Tìm hiểu sở thích của con
Lúc bắt đầu tập cho con ăn rau, phụ huynh nên dành thời gian để tìm hiểu xem con thích loại rau nào: rau mềm hay rau giòn, thích củ quả hơn hay rau xanh hơn, thích rau có vị ngọt hay nhạt, thích ăn rau hay trái cây hơn,... Sau khi đã nắm được một vài loại rau, củ bạn hãy thêm chúng vào các món ăn khoái khẩu của con. Hãy thông báo trước với con rằng món ăn yêu thích của chúng sẽ được thêm những loại rau nào, và những loại rau đó sẽ làm món ăn hấp dẫn hơn, ngon hơn, hay công dụng gì,... để trẻ có tâm lý chờ đợi, háo hức, chứ không phải nhăn mặt vì “vật thể lạ” trong món ăn.
Một số món ăn có thể thêm rau, củ: Trộn salad trái cây với các loại sốt, nước chấm ưa thích của con. Xay sinh tố, nước ép hoa quả. Làm các món mỳ xào, mỳ trộn, cơm rang có các loại rau củ. Nem rán là món trẻ con thích nhất, hãy độn một số loại rau củ như: cà rốt, hành, mộc nhĩ,....
4. Cả nhà ăn rau cùng con
Nếu muốn con ăn nhiều rau cha mẹ phải làm đầu tiên, vì trẻ con thường rất thích bắt chước người lớn. Hãy lên kế hoạch ăn uống thật khoa học để làm tấm gương cho con noi theo. Nếu sống chung với ông bà, hoặc gia đình đông người, hãy khuyến khích mọi người cùng ăn nhiều rau, để cổ vũ tinh thần cho trẻ.
5. Tập cho con ăn các loại rau gia vị
Các loại gia vị như hành lá, tỏi,... rất dồi dào allicin, đây là chất giúp diệt khuẩn, tăng sức đề kháng. Nhiều phụ huynh ngần ngại cho trẻ ăn những loại gia vị này, dẫn đến khi lớn rồi con vẫn không biết ăn hành. Hãy thái thật nhỏ chúng rồi cho một ít vào các món ăn của trẻ.
Để tập và hình thành thói quen ăn rau cho con cần rất nhiều sự kiên nhẫn của cha mẹ. Hy vọng với những mẹo trên, phụ huynh sẽ không còn hò hét, thúc ép con ăn rau trong mỗi bữa ăn nữa.
Ý Nhi
Theo Tạp chí Sống khỏe