Theo y văn, thiếu máu là tình trạng của rối loạn các tế bào máu trong cơ thể, khiến số lượng tế bào hồng cầu bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng của máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Trong khi đó, ung thư khởi phát khi trong cơ thể xuất hiện các tế bào bị đột biến và nhân lên không ngừng. Các tế bào này sẽ ảnh hưởng xấu, thậm chí gây hư hại đến toàn bộ bộ phận trong cơ thể, mức độ nghiêm trọng tuỳ thuộc vào nhiều giai đoạn khác nhau.
Vì sao lại nói ung thư và hiện tượng thiếu máu có liên quan đến nhau? Vấn đề này có thể lý giải bằng 2 lý do sau:
1. Một số bệnh ung thư có khả năng tấn công đến các tế bào hồng cầu, gây ra thiếu máu.
2. Những người đang điều trị ung thư bằng hóa trị cũng có thể mắc tình trạng này, vì nó có thể làm chậm quá trình sản xuất các tế bào máu mới cho cơ thể.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng, vấn đề thiếu máu và ung thư liên quan với nhau có thể tùy thuộc bởi nhiều yếu tố, nên sẽ còn có nhiều lý do hơn để giải thích hiện tượng này.
Còn tùy vào từng loại ung thư sẽ dẫn đến một tình trạng thiếu máu khác nhau, nhưng xảy ra nhiều nhất vẫn là hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt (Ảnh: Internet)
Thực tế thì có đến 5 bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo đều có liên quan đến tình trạng thiếu máu, cụ thể là:
1. Ung thư máu
Ung thư máu là căn bệnh ung thư có liên quan với tình trạng thiếu máu nhất, được đánh giá là ung thư ác tính không hình thành bởi khối u. Sở dĩ nó cực kỳ nguy hiểm là vì biểu hiện bệnh rất mơ hồ, thường phát hiện ở giai đoạn muộn gây ra nhiều ca tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thường thấy nhất là do lượng bạch cầu - vốn là các tế bào được sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại - sản sinh quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn. Tình trạng dư thừa các tế bào bạch cầu có thể dẫn đến tình trạng bạch cầu ăn hồng cầu. Khi này, số lượng tế bào hồng cầu bị phá hủy nhiều hơn và nhanh hơn với khả năng sản xuất của cơ thể, khiến người bệnh có dấu hiệu thiếu máu. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ung thư máu là khi các tế bào đột biến xuất hiện và nhân lên trong tủy xương (các tế bào máu được hình thành tại đây), gây ra sự phát triển bất thường của tế bào máu. Các tế bào máu bất thường này đẩy các tế bào tủy xương khỏe mạnh ra ngoài, cản trở quá trình sản xuất hồng cầu. Điều này làm giảm khả năng hoạt động bình thường của cơ thể và có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.
Thiếu máu được xem là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư máu (Ảnh: Internet)
2. Ung thư dạ dày
Một trong những loại ung thư nguy hiểm thường bị nhầm lẫn với thiếu máu là ung thư dạ dày. Các triệu chứng ban đầu của ung thư dạ dày như mệt mỏi, sụt cân không rõ lý do, buồn nôn, và thiếu máu - lại thường bị người bệnh coi là những biểu hiện thông thường của vấn đề tiêu hóa hay thiếu hụt dinh dưỡng.
Khi khối u phát triển, nó có thể gây ra xuất huyết trong dạ dày, dẫn đến mất máu mãn tính. Tuy nhiên, thay vì đi khám chuyên khoa, nhiều người lại chỉ tự ý dùng thuốc bổ sung sắt mà không biết rằng mình đang bỏ lỡ thời điểm vàng để phát hiện và điều trị bệnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì ung thư dạ dày thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc mà các biện pháp điều trị trở nên hạn chế.
3. Ung thư cổ tử cung
Tình trạng thiếu máu cũng được xem là một dấu hiệu để cảnh báo căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phái nữ. Thông qua sự phát triển của các tế bào đột biến trong cổ tử cung gây chảy máu âm đạo bất thường (kể cả ở trong hay ngoài kỳ kinh nguyệt, trong và sau khi quan hệ tình dục hoặc tiết dịch âm đạo ra máu) và thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu.
Nguyên nhân thường thấy nhất gây ra căn bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV thể 16 và 18, hoặc bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục, bên cạnh đó là lối sinh hoạt và ăn uống thiếu lành mạnh.
Ung thư cổ tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bởi vì theo thời gian thì khối u sẽ xâm lấn các cơ quan lân cận gây suy thận, phù chân hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương… khiến việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh (Ảnh: Internet)
4. Ung thư gan
Ung thư gan là một căn bệnh mà tình trạng thiếu máu có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm. Gan là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất các yếu tố đông máu, và khi bị ung thư, chức năng này bị suy giảm, dẫn đến xuất huyết và thiếu máu.
Cùng với những dấu hiệu đặc thù của thiếu máu, người bệnh cũng sẽ đối mặt với các triệu chứng khác như đau ở vùng bụng phải, vàng da,... nhưng thường bị người bệnh bỏ qua (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, nhiều người lại thường bỏ qua vì nghĩ rằng các dấu hiệu ấy chỉ đang cảnh báo bản thân bị thiếu sắt hoặc gặp những vấn đề thông thường ở hệ tiêu hóa. Vì chính sự chủ quan này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, vì ung thư gan thường phát triển rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
5. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là do sự phát triển bất thường của các tế bào trong ruột già (ruột kết, còn được gọi là ruột). Các tế bào này có thể hình thành các khối u trên hoặc bên trong các mạch máu trong trực tràng. Sau đó, những khối u này sẽ gây ra tình trạng chảy máu bất thường, cũng như tiêu diệt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh - được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến của bệnh thiếu máu.
Nhiều người bị ung thư đại trực tràng bị chảy máu dẫn đến đi ngoài ra máu, suy nhược và mệt mỏi liên quan đến bệnh thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư ruột kết ở một số bệnh nhân.
Nói chung, thiếu máu là một vấn đề sức khỏe mà mọi người tuyệt đối không thể xem thường, vì rất có thể đó lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh ung thư nguy hiểm. Nếu mọi người gặp tình trạng thiếu máu thường xuyên, tốt nhất là hãy thăm khám, tầm soát sức khỏe sớm, nhằm kịp thời phát hiện và hạn chế mọi nguy cơ ung thư có thể xảy ra.
Xem thêm: Có 4 biểu hiện khi ăn báo hiệu ung thư dạ dày sau 40 tuổi, nên nội soi dạ dày không chậm trễ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin