Theo Mayo Clinic, cơ thể có thể lưu trữ vitamin B12 trong vài năm, nên thiếu vitamin B12 là điều rất hiếm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt loại vitamin này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm.
Vitamin B-12, còn được gọi là cobalamin, giúp tạo DNA và giữ cho các tế bào thần kinh và máu hoạt động khỏe mạnh. Sự thiếu hụt Vitamin B-12 có thể gây ra những ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, thậm chí không thể phục hồi và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Khoảng 25% người trung niên trên 51 tuổi bị thiếu vitamin B12 mà không nhận thức được về điều này. Theo Viện Y tế Quốc gia, người trưởng thành nên nạp vào cơ thể khoảng 2,6 microgam vitamin B-12 mỗi ngày.
Triệu chứng thiếu vitamin B12
Theo trang web MedlinePlus của Thư viện Y học Quốc gia (Mỹ), các triệu chứng thiếu vitamin B12 là: Mất thăng bằng, yếu cơ, ngứa ran hoặc tê ở chân và tay, thiếu máu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng, chán ăn, sụt cân, gan to. Lưỡi có màu đỏ, mịn cũng là dấu hiệu của thiếu vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, trầm cảm, mất trí nhớ, nhầm lẫn, thậm chí cả thiếu máu.
Thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12
Hàm lượng vitamin B12 không đủ để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh sẽ dẫn đến thiếu máu. Trong quá trình tiêu hóa, vitamin B12 được giải phóng từ protein. Sau đó, nó kết hợp với một chất gọi là yếu tố nội tại (intrinsic factor), hoặc IF, trước khi nó được hấp thụ vào máu.
Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có triệu chứng là: Mệt mỏi, chóng mặt khi đứng dậy, đau đầu, khó thở, đau ngực, da nhợt nhạt... Nếu không được điều trị, thiếu máu ác tính có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, có tiếng thổi tim hoặc suy tim.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin B12
Có nhiều vấn đề sức khỏe gây thiếu vitamin B12 như bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac. Một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống động kinh và đái tháo đường cũng ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin B12 ở ruột non. Nhiễm sán dây cũng gây ra sự thiếu hụt vì sán dây ăn vitamin B12.
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, những người ăn thuần chay (không ăn các sản phẩm từ sữa hoặc động vật), ăn kiêng khắc nghiệt có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B12. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ mà người mẹ ăn chay, cũng dễ bị thiếu hụt dưỡng chất này.
Vitamin B12 có ở đâu?
Cá, thịt gia cầm, thịt lợn, trứng, bánh mì, ngũ cốc ăn sáng và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm giàu vitamin B12. Người ăn chay có thể cần phải bổ sung thêm vitamin B12 từ các sản phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Những thực phẩm giàu vitamin B12, tốt cho các tế bào thần kinh và tế bào máu đỏ
Làm sao để biết một người có bị thiếu vitamin B12 hay không?
Bác sỹ sẽ khám, làm xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu, kiểm tra nồng độ vitamin B12, nồng độ acid methylmalonic, MMA và homocysteine, yếu tố nội tại và kháng thể tế bào thành phần. Bác sỹ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm tủy xương.
Nếu thuộc các trường hợp sau, cơ thể bạn cũng rất dễ đang thiếu vitamin B12 trầm trọng:
- Viêm dạ dày teo, khi đó niêm mạc dạ dày bị mỏng do tế bào niêm mạc dạ dày mất đi
- Thiếu máu ác tính, khiến cơ thể bạn khó hấp thụ vitamin B12
- Gặp vấn đề với ruột non, chẳng hạn như bệnh Crohn, bệnh celiac, do vi khuẩn sinh sôi hoặc ký sinh trùng
- Rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh Basedow hoặc Lupus ban đỏ
- Đang dùng một số loại thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin B12. Trong đó bao gồm một số loại thuốc trị ợ nóng như: thuốc ức chế bơm proton (PPI) (rabeprazole, omeprazole, esomeprazole, lansoprazole và pantoprazole); Thuốc chẹn H2 (cimetidine, famotidine và ranitidine); và một số loại thuốc trị tiểu đường như metformin.
Thiếu vitamin B12 có cần điều trị?
Nếu thiếu vitamin B12 nghiêm trọng, bạn có thể cần phải bổ sung vitamin B12 bằng thuốc uống hoặc tiêm. Nếu bị thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12 có thể cần tiêm trong thời gian dài, thậm chí là suốt đời.
Thu Hương
Theo Tạp chí sống khỏe