Nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn các mốc phát triển bình thường của bé (chẳng hạn như nhai ngón tay và bàn tay, và thổi bong bóng) với mọc răng. Hãy nhớ rằng khoảng 3 tháng tuổi, bé của bạn sẽ tìm bàn tay của mình và nhai chúng, tạo ra nhiều nước dãi và bong bóng! Do đó, đừng nhầm lẫn giữa cột mốc phát triển thú vị này với mọc răng hoặc đói!.
Độ tuổi những đứa trẻ mọc chiếc răng đầu tiên thường rất khác nhau. Trong trường hợp hiếm, trẻ sơ sinh sinh ra đã có răng- một “răng sinh” duy nhất hoặc răng sữa đã mọc từ trước đó.“Một số trẻ sau 1 tuổi mới mọc chiếc răng đầu tiên. Nếu đứa trẻ rơi vào trường hợp đó, cũng hoàn toàn bình thường”, ông David Geller, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở Bedford, Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Theo bác sĩ Geller, độ tuổi trung bình của một đứa trẻ mọc răng đầu tiên trong vòng 6 tháng. Nhưng ông cũng từng thấy một đứa trẻ đến 17 tháng tuổi mới mọc chiếc răng đầu tiên.
“Nếu con bạn không mọc răng ở giai đoạn từ 12-15 tháng, bạn nên đưa con mình đến bác sĩ nha khoa để kiểm tra và hỗ trợ. Nếu như đứa trẻ mọc răng chậm, bạn cũng đừng nên quá lo lắng, điều này không ảnh hưởng tới sự phát triển tổng thể của trẻ”, bác sĩ Geller nói.
Theo Dailymail/Babycenter, dưới đây là một số dấu hiệu thông báo bé sắp mọc răng mà các mẹ nên biết:
Dãi dớt nhiều: Quá trình mọc răng sẽ kích thích nước dãi trong khoang miệng chảy ra nhiều hơn. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên bố mẹ dễ nhận biết nhất. Tuy nhiên, chảy dãi là hiện tượng phổ biến với các bé 10 tuần đến khoảng 4 tháng tuổi. Cho nên, bạn có thể nhầm lẫn dấu hiệu chảy dãi bình thường, không phải do sắp mọc răng.
Sốt nhẹ: Sốt nhẹ có thể là dấu hiệu đơn giản nhất để nhận ra trẻ mọc răng, tuy nhiên mọc răng không phải nguyên nhân gây sốt cao ở bé. Các chuyên gia lý giải, thời điểm xuất hiện chiếc răng đầu tiên cũng là thời điểm hệ miễn dịch ở bé thay đổi (bước vào tuổi ăn dặm hoặc chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang bú bình và ăn dặm). Do đó, những tác nhân bên ngoài dễ xâm nhập vào cơ thể bé và gây sốt.
Bỏ ăn: Trẻ giai đoạn này thường có biểu hiện bỏ bú hoặc chán ăn, do việc mọc răng gây khó chịu cho bé. Nếu việc bỏ bú xảy ra trong thời gian dài, trẻ không chịu ti mẹ hay ăn thức ăn dặm, khiến sức khỏe, cân nặng của trẻ giảm sút đáng kể, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách chăm sóc phù hợp. Có thể kéo dài thời gian giữa các cữ bú hay ăn dặm để bé thấy đói và đòi ăn.
Bị tiêu chảy: Dấu hiệu này chưa được các chuyên gia khẳng định là đúng nhưng nhiều người mẹ nhận thấy, trong giai đoạn mọc răng, bé đi tiêu nhiều hơn bình thường. Mọc răng không phải yếu tố khiến bé mắc tiêu chảy. Do đó, nếu bé bị tiêu chảy nặng, cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám.
Cằm và quanh miệng nổi ban: Do nước dãi chảy nhiều ra khỏi khoang miệng nên nó có thể khiến bé bị nổi ban ở vùng da khô như cằm hoặc quanh miệng (thậm chí là dưới cổ) - đây là những vùng da tiếp xúc với nước bọt. Để tránh bị nổi ban, bạn nên vệ sinh thường xuyên quanh miệng khi bé chảy nước dãi.
Bị ho: Nước dãi chảy ra có khả năng khiến bé bị nghẹn, gây ho. Nếu bị ho không kèm các triệu chứng khác của cảm hoặc dị ứng thì nó càng chứng tỏ, bé sắp mọc răng.
Thích cắn: Áp lực khi một mầm răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi khiến bé vô cùng bứt rứt. Khi đó, bé sẽ tìm cách giảm thiểu sự khó chịu thông qua việc cắn. Một ngón tay sạch, mảnh khăn sạch được nhúng nước mát, đồ ăn mát… rất thích hợp để bé gặm.
Bị đau: Khi lợi bị sưng, bé sẽ quấy khóc vì đau. Chiếc răng đầu tiên mọc lên thường khiến bé bị đau nhất. Thời gian mọc những chiếc răng sau sẽ dễ chịu hơn do bé đã làm quen với cảm giác bị đau khi mọc răng.
Trẻ quấy khóc: Không phải trẻ nào cũng quấy khóc hay khó chịu trong giai đoạn mọc răng, vì quá trình mọc răng ở mỗi trẻ không giống nhau, do đó, bố mẹ cần quan sát kĩ, nếu trẻ quấy khóc, bứt rứt khó chịu cần có những biện pháp dỗ cho trẻ nín khóc như hát ru, đưa trẻ đi dạo, thu hút sự chú ý của trẻ bằng âm nhạc, đồ chơi phát nhạc…
Khó ngủ: Một hiệu ứng phụ của nỗi đau mọc răng là rối loạn giấc ngủ. Cũng giống như người lớn, khi mọc răng, tâm trí trẻ cũng khác, chính vì vậy cũng dễ gây rối loạn đến giấc ngủ. Thông thường, bé khó ngủ hơn vì cơ thể khó chịu
Có thể nổi cục ở lợi: Lúc này, bạn nên dùng miếng gạc mát, chườm vào chỗ bị sưng trên lợi cho bé.
Kéo tai, dùng tay chà vào má: Bởi vì, lợi, tai và má cùng có chung một đường dây thần kinh và có sự tác động qua lại. Tuy nhiên, các bé bị nhiễm trùng tai cũng có biểu hiện kéo tai thường xuyên. Vì thế, bạn nên đưa bé đi khám nếu dấu hiệu kéo tai không liên quan đến mọc răng.
Suy giảm miễn dịch: Có một giả thuyết cho rằng, mọc răng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bé và làm cho bé dễ bị các bệnh như viêm tai giữa (viêm tai), viêm phế quản (nhiễm trùng ngực) và rối loạn dạ dày. Tuy nhiên điều này chưa được các nhà khoa học chứng minh. Nhưng các bà mẹ cũng nên lưu ý.
Nhị Hà