Trang chủ Tra cứu Chuyên đề

Giúp bé “tạm biệt” viêm họng

5:54 PM | 11/07/2015
Cho con

(SKGĐ) Thời tiết thất thường, bé yêu nhà bạn rất dễ bị viêm họng nếu bạn lơ là trong việc quan tâm chăm sóc cũng như bảo vệ bé.

Những triệu chứng viêm họng thường gặp

- Đau, ngứa rát cổ họng

- Đau họng khi nuốt

- Sưng amidan

- Biếng ăn, quấy khóc

- Khát nước nhiều, có thể thức giấc vào ban đêm để uống nước

- Có thể kèm sốt nhẹ hoặc sốt cao.

=> Nguyên nhân gây bệnh có thể do: trẻ bị nhiễm lạnh; thời tiết thay đổi, trẻ uống nước đá, ăn kem; khói thuốc lá; môi trường sống không trong sạch; bé bị dị ứng mãn tính, hay nhiệt độ phòng ngủ không thích hợp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Mẹ hay chưa viêm họng

Nếu bé bị chớm viêm họng bạn có thể chưa cần thiết phải dùng đến thuốc điều trị, hãy thử một vài mẹo vặt dân gian dưới đây để cải thiện tình hình:

Súc miệng nước muối: Có khả năng sát khuẩn cổ họng, trị chứng viêm nhiễm hiệu quả. Hòa lẫn muối cùng với nước ấm, động viên bé súc miệng sâu tận vào bên trong cổ họng sẽ có tác dụng nhanh chóng hơn.

Mật ong + quất/chanh: Dùng 2 thìa mật ong vắt thêm 1 quả quất/chanh sau đó đem hấp nóng và dùng hỗn hợp này cho bé ngậm đều đặn.

Vỏ xoài và nước lọc: Bạn hãy pha 10ml nước vỏ xoài với 125ml nước lọc đun sôi để nguội cho trẻ súc miệng hàng ngày.

Nghệ: Lấy một nửa cốc nước nóng, thêm một ít muối vào, sau đó cho nửa thìa bột nghệ rồi khuấy đều cho trẻ uống ngày một lần, liên tục trong 3 ngày. Cách này rất hiệu quả để bảo vệ họng khỏi bị viêm nhiễm.

Nếu bé bị viêm họng nặng cần phải điều trị bằng kháng sinh kết hợp thuốc trị ho mới đem lại kết quả, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý mua và dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm.

Chăm sóc bé khi bị viêm họng

- Khi bị viêm họng bé sẽ lười ăn hơn bình thường vì mỗi khi nuốt thức ăn đi qua cổ họng lại làm bé có cảm giác khó chịu và đau rát. Cần lựa chọn cho trẻ những loại thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt thay vì những món ăn cứng, cần phải nhai lâu. Có thể chế biến các món ăn từ đậu phụ, thịt hầm, xương hầm, cháo, canh bổ dưỡng, súp…

Ngoài ra, cũng nên thay đổi các bữa ăn cho bé để không tạo cảm giác nhàm chán và cũng là biện pháp bổ sung dưỡng chất hoàn hảo, đầy đủ nhất cho cơ thể.

- Viêm họng thường khiến bé khát nước, nếu không bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần bé sẽ rất dễ bị mất nước. Ngoài nước thường, bạn có thể cho bé uống thêm các loại nước trái cây ép, vừa giúp cung cấp nước vừa giúp cơ thể thu nạp được một lượng lớn vitamin và khoáng chất. Các vitamin và khoáng chất có khả năng cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi.

- Khi tắm cho bé cần tắm nhanh tránh để tình trạng bé bị nhiễm lạnh sẽ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Cần tắm nước ấm, để cho bé nghiêng đầu trên một chậu nước bốc hơi và bảo bé há miệng ra hít hơi ẩm bay lên từ chậu nước, sẽ giúp bé không còn cảm giác khô họng khó chịu nữa.

- Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng môi trường sống xung quanh bé phải sạch sẽ không bị ô nhiễm, phòng ngủ phải thoáng mát, tạo điều kiện cho không khí lưu thông, điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức bình thường bằng điều hòa hoặc lò sưởi.

Phòng ngừa viêm họng hữu hiệu

- Không để bé bị nhiễm lạnh, cần mặc đủ ấm chú ý đến vùng cổ của bé nếu là những ngày mùa đông hoặc thời điểm giao mùa.

- Không nên cho bé ăn đồ ăn quá lạnh, tuyệt đối không cho ăn kem và uống nước đá.

- Thường xuyên nhắc nhở trẻ hãy rửa tay thường xuyên để loại trừ vi khuẩn gây hại. Việc rửa tay càng cần thiết và quan trọng hơn với bé sau khi bé đi vệ sinh về.

- Không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của bé nên được duy trì ở mức 24-26 độ C.

- Không nên để bé nằm ngủ trong điều hòa nhiều, đây cũng là một nguyên nhân gây viêm họng. Đồng thời, chú ý tạo độ ẩm cho phòng ngủ của bé, thiếu độ ẩm cũng khiến cho cổ họng của trẻ bị khô và dễ dẫn đến viêm họng.

- Không nên để quạt thốc trực tiếp vào vùng mặt của bé, sẽ dễ khiến bé bị ngạt mũi, khó thở và thậm chí là cảm lạnh. Thay vào đó hãy để quạt chếch theo hướng bé nằm hay bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé. Ở vị trí này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng và khiến bé ngủ ngon. 

Nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu:

- Không thấy tình trạng của bé được cải thiện trong một vài ngày.

- Trẻ sốt cao từ 38 độ trở lên.

- Trẻ có dấu hiệu suy kiệt sức khỏe, mệt mỏi nhiều.

- Khó thở

- Ho ra nhiều máu

Lưu ý: Viêm họng không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm họng mãn tính, viêm phế quản và viêm phổi rất nguy hiểm.

Thu Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC